Search Intent là ý định tìm kiếm của người dùng mỗi khi họ gõ 1 từ khóa trên công cụ tìm kiếm chẳng hạn như Google. Người làm SEO và marketing online cần phải nắm được ý định tìm kiếm để có kế hoạch phát triển website. Từ đó chúng ta có mục tiêu viết bài, lên nội dung cho website nhằm tăng tỷ lệ chuyển đổi.

Mỗi khi ai đó gõ một từ khóa lên Google và nhấn Enter, họ đều mong muốn tìm được một thông tin bổ ích, giải đáp thắc mắc của họ. Và ý định tìm kiếm (Search intent) là lý do đằng sau của hành động này.

Ý định tìm kiếm thể hiện mong muốn của người dùng liên quan đến việc mua một món hàng, tìm hiểu thêm thông tin về một chủ đề nào đó hay tìm kiếm một giải đáp cụ thể,…

Mỗi hành động người dùng chủ động tìm kiếm đều có mục tiêu rõ ràng. Vì thế, đằng sau mỗi từ khóa tìm kiếm là mục đích của người dùng khi họ search Google.

Khóa học SEO IMTA – Đào tạo SEO bài bản chất lượng cao: https://imta.edu.vn/khoa-hoc-seo-website/

Dành cho những bạn học chuyên sâu SEO bài bản

Ý định tìm kiếm thể hiện qua từng từ khóa

Người dùng phải sử dụng từ khóa mỗi khi họ tìm kiếm trên Google. Từ khóa này là ý định tìm kiếm là những gì họ muốn tìm thấy và mục đích của họ khi sử dụng Google.

Search Intent - Ý định tìm kiếm
Search Intent – Ý định tìm kiếm

Mỗi từ khóa khác nhau sẽ có những nhu cầu và mong muốn khác nhau. Ví dụ từ khóa “seo là làm gì” thể hiện ý định tìm kiếm của người dùng là: họ đang tìm hiểu về việc làm seo website là làm những công việc gì, công việc này có bổ ích, thu nhập cao không để họ quyết định có đầu tư vào SEO hay không?.

Trong khi đó từ khóa “khóa học seo tại imta” thể hiện về mong muốn tìm khóa học SEO website tại IMTA. Vì vậy công việc của người làm SEO là cung cấp đúng nội dung mà người dùng mong muốn tìm thấy. Như ví dụ trên là người dùng đang tìm kiếm khóa học SEO tại IMTA chứ không phải họ chưa biết SEO là gì.

Một SEOer muốn tăng sự hiện diện của website, thu hút khách hàng và tăng tỷ lệ nhấp vào website thì cần phải tập trung vào ý định, nhu cầu và mong muốn của người dùng. Ý định này thể hiện qua từ khóa mà họ sử dụng.

IMTA Marketing!

Xác định ý định tìm kiếm quan trọng như thế nào?

Khi viết bài đúng ý định tìm kiếm của người dùng bạn sẽ nhận nhiều giá trị cho người dùng và website của mình: cung cấp nội dung phù hợp, giữ người dùng trên trang, đem đến trải nghiệm tốt nhất.

Cung cấp nội dung phù hợp

Khi ý định tìm kiếm được tìm hiểu trước, bạn có thể viết nội dung phù hợp cho người dùng. Nội dung phù hợp không phải là các bài viết được nhồi nhét từ khóa mà còn bao gồm nhiều nội dung bổ ích khác nhau và hình thức thể hiện khác nhau (hình ảnh, chữ viết, video). Nội dung đúng với ý định tìm kiếm sẽ giúp tiếp cận người dùng nhiều hơn và tỷ lệ nhấp (click rate) cũng cao hơn.

Ví dụ như người dùng tìm kiếm từ khóa “SEO Onpage” và nhấp vào bài viết “SEO Onpage là gì” của bạn. Tại đây bạn có thể viết những nội dung khác trong lĩnh vực SEO Onpage với nhiều kiến thức liên quan đến chủ đề này.

Bạn cũng có thể đề xuất thêm ‘Khóa học SEO’. hoặc ‘SEO là gì‘; hoặc ‘Ebook hướng dẫn làm SEO’. Có thể sử dụng liên kết nội bộ (internal link) dẫn đến các bài viết về hướng dẫn làm SEO Website… Làm tất cả những công việc đó để cung cấp thêm các nội dung phù hợp đáp ứng ý định tìm kiếm ban đầu của người dùng.

Giữ người dùng trên trang (Time on site)

Nếu như bạn tìm kiếm từ khóa “SEO Onpage”, sau đó nhấp vào một kết quả tìm kiếm và đọc bài viết chỉ là nói về tổng quan về SEO mà hoàn toàn không chuyên sâu vào Onpage.

Vậy bạn có tiếp tục ở lại trang web đó không? có lẽ là không. Nhiều khả năng bạn sẽ thoát ra và tìm đúng trang web đang viết về SEO Onpage để đọc.

Lợi ích của việc xác định đúng ý định tìm kiếm đó là tránh được việc người dùng thoát ra ngay lập tức bởi vì nội dung trên trang không đúng với mong muốn của họ. Điều này sẽ giữ được người dùng tiếp tục ở lại trên trang web, miễn là nội dung của bạn cung cấp chất lượng.

Tác dụng của ý định tìm kiếm
Tác dụng của ý định tìm kiếm

Và người dùng sẽ còn ở lại lâu hơn, tương tác nhiều hơn khi bạn cung cấp thêm các nội dung phù hợp khác, có thể là một đường dẫn đến bài viết “Kỹ thuật SEO”, “kiểm tra Audit SEO Onpage của Website”, …

Cung cấp trải nghiệm tìm kiếm tốt nhất

Người dùng ngày càng thông minh hơn và đánh giá mọi thứ khách quan hơn. Khi website của bạn cung cấp nội dung phù hợp ý định tìm kiếm của người dùng, họ sẽ có trải nghiệm tốt hơn trên trang web của bạn. Qua đó, họ có ấn tượng tốt hơn về website, ấn tượng tốt hơn về thương hiệu của bạn.

Điều đó không chỉ làm tăng nhận diện thương hiệu cho doanh nghiệp bạn mà còn tạo ấn tượng tốt với người dùng. Khiến cho họ nhiều khả năng tiếp tục nhấp vào bài viết khác trên kết quả tìm kiếm dù website bạn không đứng top. Cũng có thể người dùng sẽ chủ động tìm lại website của bạn để tiếp tục đọc các nội dung khác và giới thiệu với bạn bè của họ.


Phân loại ý định tìm kiếm của người dùng

Mike Moran và Bill Hunt đã viết trong cuốn ‘Search Engine Marketing’ (2015), người tìm kiếm có thể chia làm ba loại:

  • Thứ nhất là người tìm kiếm điều hướng (Navigational searchers): là những người muốn tìm kiếm một trang web cụ thể.
  • Thứ hai là người tìm kiếm thông tin (Informational searchers): là những người muốn tìm kiếm câu trả lời mà họ chưa xác định được sẽ click vào trang web hay thương hiệu nào.
  • Thứ ba là người tìm kiếm giao dịch (Transactional searchers): lànhững người muốn thực hiện hành động có giá trị (mua cái gì đó, đăng ký, download,…).

Tìm kiếm điều hướng

Người tìm kiếm điều hướng là họ đang tìm kiếm một trang web cụ thể, vì họ đã truy cập và nhớ website đó trong quá khứ, hoặc được 1 người bạn giới thiệu website này.

Không giống như những người tìm kiếm khác, người tìm kiếm điều hướng chỉ có một ý định trong tâm trí của họ đó là họ sẽ tìm đến 1 thương hiệu/sản phẩm cụ thề.

Ví dụ: Một người lên Google tìm kiếm khóa học Marketing tại IMTA thì họ đã có ý định tìm đến IMTA. Đây là người tìm kiếm điều hướng.

Người tìm kiếm điều hướng
Người tìm kiếm điều hướng

Thông thường Người tìm kiếm điều hướng gõ thêm từ khóa thương hiệu khi tìm hoặc tìm tên miền để vào trang chủ vì họ biết trang web đó mới có thể cung cấp thứ họ cần.

Tìm kiếm thông tin

Người tìm kiếm thông tin muốn tìm thông tin sâu về một chủ đề. Những người tìm kiếm thông tin nghĩ rằng những thông tin này có sẵn trên Google nhưng họ lại không biết trang website nào là có cung cấp nội dung tốt nhất (họ chưa xác định cụ thể trang web họ sẽ vào). Không giống như những từ khóa điều hướng (navigational keywords), những người tìm từ khóa thông tin (informational keywords) sẽ không nhấp vào 1 trang website cụ thể nào. Kết quả tìm kiếm tốt nhất là sự hài lòng với những kết quả từ nhiều website khác nhau.

Hầu hết người tìm kiếm thông tin bắt đầu với một từ khóa tìm kiếm đơn giản, rồi tối ưu từ khóa đó cho cụ thể hơn đến khi họ xác định được câu trả lời tốt nhất. Ý định của người tìm kiếm thông tin khó suy luận nhất bởi vì từ khóa họ tìm có thể có nhiều ý định khác nhau. Nhưng không phải không có cách khắc phục. Người làm SEO có thể tối ưu bài viết bằng các từ khóa dài để đúng với trường hợp của người dùng.

Người tìm kiếm thông tin
Người tìm kiếm thông tin

Đa phần mọi người dùng Google là người tìm kiếm thông tin. Bởi vì người tìm kiếm thông tin vẫn chưa chọn được sản phẩm mà họ muốn mua, do đó họ vẫn tiếp tục tìm kiếm thêm. Lợi thế là người tìm kiếm thông tin sẵn sàng tiếp cận 1 sản phẩm mà họ chưa biết gì về thương hiệu đó. Bạn hãy cung cấp cho người tìm kiếm thông tin nội dung rõ ràng, liên quan đến sản phẩm và dịch vụ (hoặc về chủ đề họ tìm kiếm). Bạn muốn tiếp cận loại người này bạn cần phải viết bài và chia sẻ nhiều kiến thức về chủ đề này, làm cho họ yêu thích và thân thiết với website bạn hơn.

Tìm kiếm giao dịch

Người tìm kiếm giao dịch thực hiện tìm kiếm để thực hiện hành động mua hàng chẳng hạn. Những cụm từ khóa giao dịch (transactional keywords cluster) thường tập trung vào việc mua sản phẩm, download hình ảnh, phần mềm, hoặc bài hát…

Tìm kiếm giao dịch
Tìm kiếm giao dịch

Những từ khóa tìm kiếm về giao dịch là những từ khóa khó nhất. Hay nói đơn giản hơn là khó SEO nhất. Từ khóa giao dịch thường liên quan đến sản phẩm cụ thể, có tính cạnh tranh cao bởi vì thể hiện ý định mua hàng rõ ràng.

Tìm kiếm giao dịch mang về nhiều doanh thu nhất cho công ty Google, doanh thu này đến từ quảng cáo tìm kiếm trả tiền (paid search ads). Nếu bạn làm SEO, bạn phải cạnh tranh với cả Google Ads.


Ý định tìm kiếm và phễu marketing

SEO là một công cụ marketing, để làm SEO tăng chuyển đổi bạn nên kết hợp với marketing. Khi bạn xác định đúng ý định tìm kiếm của người dùng, nghĩa là bạn coi trọng trải nghiệm của họ. Khách hàng là mục tiêu cuối cùng của một SEOer chuyên nghiệp.

Phễu marketing (marketing funnel) mô tả hành trình của khách hàng từ khi họ tiếp cận đến họ thực hiện hành động mua hàng.

Phễu marketing có thể được dùng để lập kế hoạch, đánh giá và tối ưu cho hầu hết các hoạt động marketing, hoạt động SEO. Thông qua phễu marketing, bạn có thể xác định chính xác hơn về ý định của người dùng và SEO các nội dung một cách chính xác, đem lại hiệu quả cao nhất.

Mô hình phễu marketing đơn giản nhất gồm 3 giai đoạn:

  • Awareness (Nhận thức)
  • Consideration (Đánh giá)
  • Conversion (Chuyển đổi)

Hình. Marketing funnel

Awareness (Nhận thức)

Awareness là giai đoạn nhận thức. Người dùng mới bắt đầu tiếp cận và có một chút thông tin về sản phẩm hoặc công ty của bạn. Trong giai đoạn này, ý định tìm kiếm của người dùng là tìm kiếm thông tin. Để biết nhiều hơn về sản phẩm/dịch vụ, công ty của bạn để xem có phù hợp với nhu cầu bản thân họ không.

Người làm SEO nên cung cấp thông tin để tiếp cận đến người dùng trong quá trình nhận thức và điều hướng nội dung sao cho có lợi cho doanh nghiệp của mình.

Ví dụ: Mình đang SEO cho từ khóa “học bằng lái xe B2”, và mình sẽ đưa ra ưu điểm doanh nghiệp của mình là học bằng lái xe B2 mà có thể chọn được lịch học.

Rồi khi người dùng tìm kiếm “học bằng lái xe B2 ngoài giờ hành chính” thì mình sẽ seo từ khóa này lên top. Học viên sẽ nhấp vào bài viết, đọc thông tin mà họ đang tìm kiếm, đồng thời nhận thức được về lợi ích của việc học lái xe ngoài giờ và cao hơn thế nữa là chọn được giờ học. Trong bài viết sẽ định hướng nội dung về việc “học bằng lái B2 mà có thể chọn lịch học tùy ý”. Và sẽ đưa người dùng vào giai đoạn tiếp theo của phễu marketing.

Consideration (Đánh giá)

Người dùng trong giai đoạn nhận thức đã tìm hiểu các thông tin liên quan. Trong giai đoạn Consideration, khách hàng muốn tìm kiếm về các dịch vụ khác nhau để đánh giá và lựa chọn dịch vụ nào phù hợp với bản thân.

Có thể thấy rõ ràng rằng đây là “ý định tìm kiếm giao dịch”, người dùng muốn tìm kiếm để có thể thực hiện hành động gì đó. Tiếp ví dụ trên là tìm một trung tâm để đăng ký học bằng lái B2.

Việc xác định phễu marketing và đưa người dùng vào phễu sẽ đem đến hiệu quả cho các bước sau. Ví dụ trên trong quá trình nhận thức bạn đã nêu ra điểm khác biệt với đối thủ học ngoài giờ hành chính.

“học bằng lái xe B2 chọn giờ học” có thể là từ khóa khách hàng sẽ sử dụng. Bạn sẽ có cơ hội tiếp cận người dùng đúng với thông tin đã truyền tải trước đó về sản phẩm của công ty mình.

Conversion (Chuyển đổi)

Có thể người dùng sẽ chẳng bao giờ nghĩ đến việc họ có thể học lái xe có thể chọn được giờ học nếu bạn không viết nội dung này để tiếp cận đến họ.

Chính điều đó đã mở đường cho kỳ vọng, mong muốn của người dùng tìm kiếm về một khóa học lái xe B2 mà họ được tự chọn lịch học cho bản thân. Do bạn đi trước, bạn đã có cơ hội cao để tiếp cận khi họ sẵn sàng mua hàng.

Chính việc nắm bắt tốt phễu marketing giúp bạn liên tục tiếp cận được đến khách hàng mục tiêu của mình. Qua đó làm tăng nhận thức của họ về công ty bạn, tăng nhận diện thương hiệu. Đặc biệt là cơ hội chuyển đổi họ thành khách hàng của mình.

Đó là việc áp dụng ý định tìm kiếm và phễu marketing để tăng khả năng tiếp cận và đem về khách hàng mục tiêu.

Để có thể áp dụng ý định tìm kiếm tốt hơn và tối ưu tỷ lệ chuyển đổi, Bạn hãy tìm hiểu tiếp theo về ý định tìm kiếm trong 5 bước của quy trình mua hàng.


Ý định tìm kiếm trong 5 bước quy trình mua hàng

Hai tác giả Mike Moran và Bill Hunt trong cuốn sách ‘Search Engine Marketing’, nói rằng có nhiều cách phân loại hành vi của khách hàng, trong đó có thể dùng cách phân loại khách hàng theo từ khóa mà họ đã tìm kiếm.

Một số khách hàng đang trong giai đoạn đầu của phễu Marketing – đây là nhu cầu gốc (primary demand). Tuy nhiên, Khách hàng có nhu cầu gốc nhưng không biết tìm kiếm giải pháp ở đâu, hoặc không biết lựa chọn giải pháp nào.

Trái ngược với điều này, với nhu cầu chọn lọc (selective demand), khách hàng muốn một thương hiệu cụ thể của sản phẩm hoặc thậm chí là một mô hình cụ thể.

Nhu cầu gốc và nhu cầu chọn lọc
Nhu cầu gốc và nhu cầu chọn lọc

Với những doanh nghiệp sử dụng công cụ tìm kiếm (Google) để làm marketing phải hiểu hành vi khách hàng. Người làm SEO cần phải hiểu được quy trình mua hàng. Đồng thời xác định ý định tìm kiếm của khách hàng sẽ đưa họ vào những giai đoạn nào của quy trình mua hàng. Qua đó thực hiện công việc SEO cũng như marketing hợp lý nhằm thúc đẩy hành vi mua, tăng doanh số cho doanh nghiệp.

Quy trình mua hàng của khách hàng gồm có 5 giai đoạn. Trong đó mỗi giai đoạn, khách hàng lại có những nhu cầu khác nhau dẫn đến những ý định tìm kiếm khác nhau. Điều này đòi hỏi người làm SEO cần phải hiểu rõ quy trình mua hàng để cung cấp những nội dung phù hợp.

Giai đoạn 1: Nhận thức nhu cầu

Trong giai đoạn này, khách hàng của bạn nhận thức được nhu cầu mà họ có. Đó là khi họ nhận ra mình gặp phải vấn đề và cần giải pháp để giải quyết vấn đề đó. Công việc của nhân viên SEO tại đây là làm thế nào để cung cấp thông tin cho khách hàng nhận ra vấn đề của họ.

Ví dụ như bạn cung cấp dịch vụ rửa ô tô, trang web bạn có thể viết những chủ đề nào đó về ô tô để khách hàng mục tiêu cũng quan tâm. Và trong những nội dung đó, bạn nhấn mạnh rằng một chiếc ô tô luôn sạch sẽ, sáng bóng sẽ thể hiện sự sang trọng và giàu sang của chính chủ nhân chiếc xe. Như vậy bạn đã giúp khách hàng của mình nhận ra nhu cầu rằng họ cần rửa xe thường xuyên.

5 giai đoạn quy trình mua hàng
5 giai đoạn quy trình mua hàng

Trong giai đoạn này, khách hàng chưa biết nhu cầu của mình là gì. Chính vì vậy nội dung bạn viết không nên nói nhiều về dịch vụ của bạn mà sẽ cung cấp thông tin hữu ích để giải quyết vấn đề của khách hàng. Tức nhiên, bạn cũng cần khéo léo thêm vào các nội dung để giúp khách hàng nhận ra vấn đề của họ, cách giải quyết vấn đề nhanh hơn nếu sử dụng dịch vụ bạn cung cấp.

Giai đoạn 2: Tìm kiếm thông tin

Sau khi khách hàng nhận thức được nhu cầu, họ bắt đầu tìm kiếm thông tin liên quan đến các giải pháp mà họ cần. Họ sẽ muốn biết chi tiết hơn về vấn đề của mình, biết chi tiết hơn về các giải pháp có thể áp dụng.

Ví dụ như khách hàng của bạn nhận ra rằng chiếc xe của họ đã quá cũ, không đủ sang trọng khi họ gặp gỡ đối tác. Anh ấy nhận ra mình cần một chiếc xe mới sang trọng để thể hiện vị thế của mình mỗi khi đi gặp đối tác. Và anh ấy bắt đầu tìm hiểu đâu là các dòng xe sang và nên sử dụng dòng xe nào.

Bạn biết được ý định tìm kiếm của khách hàng trong giai đoạn này là muốn biết thêm thông tin về các dòng xe sang khác nhau. Và bạn sẽ cung cấp cho họ về chính xác các nội dung họ cần. Ví dụ các nội dung như: top 5 thương hiệu xe sang trọng nhất, dòng xe cao cấp và chủ doanh nghiệp nên lựa chọn,…

Giai đoạn 3: Lựa chọn

Trong giai đoạn lựa chọn, khách hàng chính là những người tìm kiếm thông tin hoặc người tìm kiếm điều hướng (khi họ tìm một thương hiệu cụ thể). Họ cần thông tin để thực hiện đánh giá các lựa chọn của mình và đưa ra quyết định mua hàng cuối cùng. Nhiệm vụ của nhân viên SEO là có những bài viết sản phẩm để thuyết phục khách hàng rằng sản phẩm của bạn là phù hợp nhất.

Ví dụ trên: Bạn là nhân viên SEO, bạn cần đưa anh ấy về trang web của mình bằng những nội dung như giá của một chiếc Mercedes S400 hay một chiếc Range Rover. Hãy cho anh ấy lý do để đến với trang web của bạn. Và hãy tối ưu CTA (call to action) để cho khách hàng dễ dàng điền form liên hệ, sau đó nhân viên sale sẽ liên hệ trực tiếp.

Giai đoạn 4: Mua hàng

Giả sử sau một thời gian tìm hiểu trên các trang web, khách hàng của chúng ta quyết định mua một chiếc Maybach S600. Anh ấy sẽ lên Google tìm kiếm: “đại lý Mercedes tại HCM.” Anh ấy muốn mua xe vì vậy anh ấy tìm kiếm những nơi bán hàng.

Giai đoạn mua hàng
Giai đoạn mua hàng

Giai đoạn này, khách hàng của bạn lộ rõ ý định mua hàng, họ trở thành những người tìm kiếm giao dịch, họ tìm kiếm để thực hiện một hành động gì đó. Một nhân viên SEO, bạn cần phải có bài viết chốt sale cung cấp thông tin liên quan đến giao dịch của khách hàng.

Giai đoạn 5: Sau mua

Thông thường trong quá trình mua hàng, giai đoạn sau mua là nơi mà khách hàng phản hồi, để lại ý kiến, đánh giá đối với sản phẩm sau khi sử dụng. Nhưng đối với SEO, chúng ta cần nhìn theo một góc nhìn khác. Sau mua hàng sẽ là khi khách hàng tìm hiểu về những vấn đề liên quan đến sản phẩm của họ.

Ý định tìm kiếm ở giai đoạn này có thể là ý định tìm kiếm giao dịch khi khách hàng muốn mua thêm sản phẩm gì đó để hoàn thiện sản phẩm đã mua. Hoặc có thể là ý định tìm kiếm thông tin, ý định tìm kiếm điều hướng khi mà họ tìm hiểu về những vấn đề phát sinh sau mua.

Cùng quay lại với ví dụ trên, khách hàng đã quyết định mua chiếc Maybach S600 rồi. Họ có thể tìm kiếm “trung tâm bảo hành Mercedes”, bởi vì sau quá trình sử dụng có những trục trặc. Bạn có nghĩ đây là 1 cơ hội để tăng doanh thu?

Xác định từng giai đoạn mua hàng và ý định tìm kiếm gắn với từng giai đoạn của khách hàng sẽ giúp nhân viên SEO nghiên cứu đúng từ khóa và cung cấp nội dung phù hợp. Kết quả là, tối ưu cao nhất hiệu quả SEO, trải nghiệm khách hàng và tỷ lệ chuyển đổi trên trang web.


Một từ khóa sẽ có nhiều ý định tìm kiếm khác nhau

Bất kỳ người làm SEO nào cũng hiểu rằng, một từ khóa không phải có 1 ý định tìm kiếm duy nhất. Ngoại trừ từ khóa thương hiệu hoặc từ khóa ngắn thì có nhiều biến thể khác nhau. Trong khi từ khóa dài thì ý định tìm kiếm càng cụ thể hơn. Và thực tế là từ khóa dài lại dễ SEO hơn.

Làm SEO là phải chọn đúng ý định tìm kiếm một cách cụ thể và viết nội dung người dùng muốn tìm kiếm thì họ sẽ nhấp vào trang web của bạn, mặc dù trang web không đứng top cao trong thứ hạng trên Google.

Cách duy nhất là đa dạng hóa nội dung để website có thể cung cấp nhiều thông tin gần giống nhất với ý định tìm kiếm. Hãy có những bài viết với tiêu đề chi tiết hơn, phần mô tả cụ thể và hấp dẫn hơn với người dùng.

Ví dụ

Một người dùng có thể tìm kiếm từ khóa “laptop dell”. Hoàn toàn là một keyword quá chung và ngắn có thể khó SEO, cũng có thể là một người đang tìm kiếm thông tin thương hiệu Dell để chọn mua hàng hoặc họ đang tham khảo và so sánh Dell với những sản phẩm thương hiệu khác.


Sử dụng nội dung khác ý định tìm kiếm

Chúng ta vừa tìm hiểu về trường hợp một từ khóa có thể có nhiều ý định tìm kiếm khác nhau. Đôi khi nhiều kết quả hiển thị trên trang kết quả tìm kiếm lại chẳng phù hợp với mong muốn của người dùng. Bài viết khác hoàn toàn với ý định tìm kiếm thì sẽ như thế nào?

Nếu nội dung được cung cấp không đúng với ý định tìm kiếm của người dùng thì đây sẽ là một rủi ro khi làm SEO. Bởi vì thứ hạng chắc chắn sẽ bị rớt trên kết quả tìm kiếm bởi chỉ số CR (click rate: tỷ lệ nhấp chuột) thấp, nội dung kém chất lượng và có tỷ lệ thoát cao. Do đó, bạn cần phải xác định lại giai đoạn trong phễu Marketing, ý định tìm kiếm và thay đổi nội dung phù hợp hơn.

Nếu bạn cố tình đưa nội dung sai lệch cho người dùng. Người dùng sẽ cảm giác như bị lừa dối, chắc chắn đây sẽ không phải là một trải nghiệm tốt. Việc trải nghiệm khách hàng trên trang kém có thể ảnh hưởng lớn đến thời gian trên site. Và khi thời gian người dùng trên trang thấp, trang web bị đánh giá kém đi, kết quả rớt top là hoàn toàn khả năng cao.

Khi mà Google ngày càng coi trọng người dùng hơn, coi trọng trải nghiệm người dùng trên trang hơn thì những nội dung như vậy Google sẽ cho trang web của bạn rớt top sau này.


Ứng dụng ý định tìm kiếm không chỉ có trong SEO website

Ý định tìm kiếm của người dùng không chỉ dừng lại ở việc họ muốn tìm kiếm thứ gì, nội dung gì mà còn liên quan đến định dạng của content (nội dung). Người làm SEO giỏi sẽ hiểu được người dùng của mình mong muốn thông tin họ tìm kiếm hiển thị dưới dạng nội dung nào (chữ viết, hình ảnh, video hay âm thanh).

Một trang web báo chí có thể cung cấp file âm thanh để người dùng có thể nghe thay phải đọc chữ. Một trang web du lịch có thể cung cấp nội dung video để người dùng trải nghiệm tốt hơn. Thậm chí họ có thể chuyển sang Youtube và tiếp cận khách hàng qua nền tảng này thay vì website. Một nhà hàng có thể cung cấp nội dung của mình với thật nhiều hình ảnh, video đồ ăn ngon miệng hay họ có thể sử dụng Instagram, Tiktok, Youtube để tiếp cận khách hàng.

Ý định tìm kiếm của người dùng không chỉ có thể áp dụng vào SEO website. Hiểu ý định tìm kiếm của người dùng có thể giúp bạn hiểu được khách hàng mong muốn nội dung gì hay loại nội dung nào sẽ thỏa mãn khách hàng nhiều hơn.


Lời kết

Bằng việc hiểu ý định tìm kiếm của người dùng, bạn cung cấp nội dung phù hợp hơn, hấp dẫn hơn, sử dụng được nhiều kênh tiếp cận hơn, đem lại hiệu quả kinh doanh cao hơn. Và chắc chắn website của bạn sẽ được đánh giá cao hơn, dễ dàng leo top cao.

Ý định tìm kiếm của một khách hàng là những gì ẩn chứa sâu bên trong con người họ. Không những ứng dụng trong SEO mà ý định tìm kiếm của một người còn áp dụng trong quảng cáo.

Khi bạn hiểu rõ về ý định của một người, bạn sẽ có kế hoạch lên nội dung phù hợp. Phễu marketing là 1 ứng dụng có tính bài bản và hệ thống. Đây không phải là lý thuyết mà là thành quả trong ngành marketing.

Cảm ơn bạn đã đọc bài viết!

Chúc bạn có những thành công trong sự nghiệp và con đường của mình.

Digital Marketing IMTA SEO WebsiteSearch Intent là gì? Ý định tìm kiếm viết content tăng chuyển đổi