Google Search Console là công cụ quan trọng mà mỗi SEOer, webmaster đều phải sử dụng để theo dõi hiệu suất tìm kiếm của website và các vấn đề liên quan đến traffic tìm kiếm từ Google. Bài viết này chúng ta cùng tìm hiểu Google Search Console là gì? Tiếp đến là phần hướng dẫn cài đặt & sử dụng Google Search Console (GSC) chi tiết để bạn tham khảo và triển khai cho website đang quản trị.
Google Search Console là gì?
Google Search Console (tên gọi cũ: Google Webmaster Tool) là một công cụ miễn phí được Google cung cấp đến người dùng nhằm giúp chủ website có thể kiểm tra, theo dõi và khắc phục sự cố kịp thời trên website về: tình trạng thu thập dữ liệu, hiệu suất và trải nghiệm trên website,. . .
Cụ thể, Google Search Console thực hiện báo cáo và cung cấp công cụ để người quản trị website thực hiện cho các hành động như sau:
- Xác nhận về việc Google Bot có thể tìm và thu thập dữ liệu từ trang web của bạn.
- Kiểm tra, khắc phục vấn đề về lập chỉ mục (index) và yêu cầu lập chỉ mục lại đối với các nội dung mới hoặc nội dung mà bạn vừa có cập nhật, sửa đổi.
- Báo cáo, thống kê lưu lượng truy cập từ Google Tìm Kiếm đến website của bạn, ví dụ: tần suất các trang web trên website của bạn xuất hiện trong trang kết quả của Google Tìm kiếm, những từ/ cụm từ tìm kiếm nào làm trang web của bạn hiển thị trong kết quả tìm kiếm, tần suất người dùng nhấp vào trang web của bạn với các cụm từ đó, v.v.
- Thông báo với quản trị viên của website khi gặp phải vấn đề lập chỉ mục (index hoặc thu thập dữ liệu), nội dung spam và nhiều vấn đề khác đang xảy ra trên website của bạn.
- Liệt kê danh sách những trang web bên ngoài đã trỏ liên kết đến website của bạn (backlink).
- Báo cáo các vấn đề về trải nghiệm người dùng, tính thân thiện trên thiết bị di động,.v.v..
- Khóa học SEO tại IMTA - Phương pháp SEO quy trình bài bản
- Khóa học quảng cáo Google Ads - Cơ bản đến chuyên sâu
- Khóa Học Digital Marketing - Chạy quảng cáo đa kênh kết hợp
Hướng dẫn cài đặt Google Search Console (GSC) chi tiết
Nếu bạn đang làm SEO hoặc đang học SEO thì bước cài đặt Google Search Console là bước đầu tiên cần phải làm. Trong thực tế, Google có thể lập chỉ mục và hiểu các thông tin trên website của bạn mà không nhất thiết phải cài đặt hay xác minh. Tuy nhiên, để Google có thể lập chỉ mục nhanh hơn thì bạn cần cài đặt và xác minh Search Console.
Bước 01: Trước tiên, bạn cần đăng nhập vào tài khoản Google trên trình duyệt đang sử dụng. Nếu đã đăng nhập trước đó rồi thì không cần thực hiện bước này nữa.
Bước 02: Bạn truy cập vào liên kết Search Console, sau đó chọn phương thức xác minh và sản phẩm cần xác minh quyền sở hữu. Bạn nhập vào URL của website cần xác minh như hình bên dưới.
Hiện tại, Google Search Console đã bổ sung thêm phương thức xác minh theo tên miền. Đây là phương thức xác minh mới, mình nghĩ sẽ không phù hợp với đại bộ phận người dùng. Mình không khuyến nghị sử dụng phương thức xác minh này. Tuy nhiên, dưới đây mình cũng liệt kê một số điểm về phương thức xác minh theo tên miền để bạn tham khảo:
- Thực hiện xác minh cho tên miền chính sẽ áp dụng luôn cả các tên miền phụ. Ví dụ: Tên miền chính của bạn là imta.vn thì tất cả các tên miền phụ khác (như: demo1.imta.vn, demo2.imta.vn, . . . ) cũng sẽ được xác minh. Ưu điểm là bạn không cần phải thực hiện xác minh nhiều lần. Trong khi đó, phương thức xác minh bằng tiền tố URL chỉ xác minh các URL nằm trong địa chỉ đã nhập. Ví dụ địa chỉ bạn đã nhập là https://imta.edu.vn/ thì chỉ xác minh các liên kết nằm bên trong nó, ví dụ: https://imta.edu.vn/ten-bai-viet-01, https://imta.edu.vn/ten-bai-viet-02
- Phương thức xác minh này áp dụng cho tất cả URL sử dụng giao thức http hoặc https. Còn phương thức xác minh theo tiền tố URL thì phải xác minh riêng các URL có giao thức https và các URL sử dụng giao thức http.
- Bạn cần phải xác minh quyền sở hữu tên miền thông qua DNS (Domain Name System – hệ thống phân giải tên miền). Và khi sử dụng phương thức xác minh qua tên miền thì chỉ có thể xác minh qua DNS. Trong khi đó, nếu bạn xác minh qua tiền tố URL thì có rất nhiều các xác minh như: HTML tag, Google Analytics, Google Tag Manager và có thể xác minh qua DNS của tên miền nếu tên miền đó thuộc quản lý bởi Google.
Bước 03: Sau khi điền URL cần xác minh quyền sở hữu ở bước 02 xong, bạn nhấn vào nút Tiếp tục. Sau đó, tại cửa sổ Xác minh quyền sở hữu, bạn tải về máy tính tệp HTML dùng để xác minh quyền sở hữu website như mình khoanh đỏ ở hình dưới.
Bước 04: Upload tệp HTML đã tải xuống ở trên lên thư mục gốc của website trên hosting/ VPS. Nếu hosting chỉ dùng cho một website duy nhất thì bạn upload trực tiếp vào trong thư mục public_html. Trong trường hợp hosting của bạn có nhiều tên miền thì upload đúng vào thư mục của tên miền cần xác minh tương ứng nhé!
Bước 05: Sau khi upload thành công tập tin xác minh quyền sở hữu lên hosting như hình trên. Bây giờ bạn hãy nhấn vào nút Xác minh như hình bên dưới.
Nếu bạn upload tệp HTML xác minh đúng nơi, sau khi nhấn vào nút xác minh ở bước 05 thì sẽ xuất hiện cửa sổ thông báo việc xác minh quyền sở hữu website thành công với Search Console như hình bên dưới.
Lúc này bạn có thể nhấn vào nút Chuyển đến sản phẩm để truy cập trang quản trị của Google Search Console. Ở đó sẽ có rất nhiều thứ cần tìm hiểu, chúng ta sẽ khám phá các mục tính năng này ở phần hướng dẫn sử dụng Google Search Console.
Hướng dẫn sử dụng Google Search Console (GSC) chi tiết
Sau khi xác minh quyền sở hữu website với Google Search Console thành công thì bạn vẫn chưa có gì để tìm hiểu cách sử dụng. Bởi lẽ phải cần một khoảng thời gian đủ lâu để Search Console có dữ liệu báo cáo. Còn vừa mới kết nối thì không có dữ liệu gì để xem và bạn cũng khó mà hình dung được tính năng của các mục trong đó.
Nếu website của bạn có nội dung tốt, đều đặn thì dữ liệu đủ để bạn xem báo cáo có thể là ở 30 ngày sau. Web mẫu ở trên mình dùng hướng dẫn bạn kết nối với Google Search Console (GSC) cũng là web mới tinh nên không có gì để tìm hiểu cả.
Do web mới không có dữ liệu để làm demo hướng dẫn, nên mình sẽ hướng dẫn bạn cách sử dụng Google Search Console (GSC) với một website mà mình đã cho chạy một thời gian rồi. Hình trên là trang tổng quan (trang chủ) của Google Search Console (GSC) khi mở lên.
Dưới đây mình sẽ đi chú thích lần lượt các mục từ trên xuống dưới để bạn hình dung được chức năng, nhiệm vụ của từng phần để làm gì. À mà tính năng của Google Search Console có rất nhiều, trong khuôn khổ bài viết này mình chỉ liệt kê những tính năng/ mục mà một người mới nên biết. Còn những tính năng nâng cao thì mình không đưa vào bạn nhé!
Báo cáo tổng quan
Đây là một báo cáo tổng quan về nguồn traffic đến từ công cụ tìm kiếm của Google trong vòng 28 ngày qua. Báo cáo này thể hiện qua một biểu đồ như hình bên dưới, thông qua đó bạn có cái nhìn tổng quan về nguồn traffic từ tìm kiếm của website trong 28 ngày qua là tăng lên hay giảm đi.
Hiệu suất tìm kiếm
Nếu báo cáo tổng quan là để có cái nhìn tổng quan về hiệu suất tìm kiếm trong 28 ngày qua. Thì báo cáo chi tiết về hiệu suất tìm kiếm sẽ chi tiết hơn với giai đoạn được xác định tùy ý. Có thể là ngày, tuần, tháng, 3 tháng, năm, . .
Sau khi nhấn mở Báo cáo đầy đủ về hiệu suất tìm kiếm thì sẽ hiển thị báo cáo tương tự như hình bên dưới (mình lấy mẫu 2 tháng có traffic tìm kiếm tương đối ổn định để bạn tham khảo).
Bên dưới biểu đồ về hiệu suất tìm kiếm, bạn cũng có thể xem các thông tin khác về nguồn truy cập từ tìm kiếm như:
- Cụm từ tìm kiếm: Tức là khách truy cập đến với website của bạn nhiều với những từ khóa nào;
- Trang: Những trang nào được truy cập nhiều từ tìm kiếm. Bạn có thể nhấp vào từng trang để xem báo cáo chi tiết về hiệu suất tìm kiếm cho từng trang. Bên cạnh đó bạn cũng biết được người dùng truy cập trang đó với những từ khóa nào. Nhờ đó bạn có thể tối ưu thêm từ khóa để có thêm lượng truy cập từ tìm kiếm.
- Quốc gia và thiết bị: Cái này cũng tương tự như của Google Analytics, tuy nhiên ở đây chỉ ghi nhận báo và báo cáo về quốc gia và thiết bị được sử dụng để truy cập website bạn từ tìm kiếm.
Kiểm tra URL và gửi yêu cầu lập chỉ mục
Đây là một thao tác mà có lẽ nhiều bạn sẽ thường xuyên sử dụng trong tầm 2 năm trở lại đây. Cụ thể là trong 2 năm trở lại đây nhiều website gặp tình trạng chậm index hoặc thậm chí không index. Khi đó, thao tác Kiểm tra URL sẽ giúp bạn biết được URL đã được index chưa, thay vì dò trong danh sách các trang đã index. Trong một số trường hợp, có thể trước đây URL đó là được index rồi, nhưng vì lý do nào đó, hiện tại trang không được index thì bạn cũng phải thực hiện thao tác kiểm tra URL này để xem xét nguyên nhân không index và gửi lại yêu cầu lập chỉ mục.
Để kiểm tra URL nào đó thì bạn copy URL đó và dán vào trong khung kiểm tra URL như hình bên dưới, sau đó nhấn Enter. Trong trường hợp URL đó là một bài viết và bạn vừa chỉnh sửa, cập nhật nội dung gì đó thì hãy nhấn vào nút Yêu cầu lập chỉ mục như mình khoanh ở hình bên dưới. Trong trường hợp URL đó bạn đã xuất bản trên web rồi nhưng chưa được lập chỉ mục (index) thì bạn cũng nhấp vào Yêu cầu lập chỉ mục nhé !
Ngoài ra, kết quả bạn xem ở trên là Google đã thu thập được trong thời gian gần đây chứ không phải ở thời điểm hiện tại. Do đó, để biết chính xác trạng thái URL hiện tại có đáp ứng các yêu cầu về trải nghiệm và các tính năng nâng cao hay không thì bạn hãy nhấn vào mục Kiểm tra URL đang hoạt động.
Trong trường hợp kết quả kiểm tra báo rằng URL bị báo lỗi gì đó (ví dụ lỗi hiển thị trên di động chẳng hạn) thì bạn dựa vào đó để khắc phục lỗi và chạy lại công cụ kiểm tra URL đang hoạt động cho đến khi đạt thì thôi. Ví dụ: Trường hợp website của bạn trước đó tối ưu hiệu suất (tốc độ) sai cách dẫn đến vỡ giao diện, gần đây bạn có thực hiện tối ưu lại. Và để Search Console sớm nhận ra rằng website/ URL của bạn đã khắc phục vấn đề.
Xem tổng quan trạng thái lập chỉ mục (index)
Theo dõi trạng thái lập chỉ mục của website giúp bạn biết được những trang nào được lập chỉ mục, những trang nào không/ chưa được lập chỉ mục. Từ đó xem chi tiết về lý do khiến trang không được lập chỉ mục và tìm cách khắc phục.
Hình bên dưới là ví dụ về báo cáo trạng thái lập chỉ mục trong vòng 3 tháng qua trên website của mình. Để xem những trang (URL) nào gần đây được thu thập dữ liệu thì bạn nhấp vào Xem dữ liệu về các trang đã được lập chỉ mục như hình bên dưới.
Tiếp theo là xem báo cáo về Lý do trang không được lập chỉ mục (không được index) và hiển thị trên kết quả tìm kiếm. Phía bên dưới, Search Console liệt kê các nguyên nhân không được lập chỉ mục và các trang bị ảnh hưởng. Bạn nhấp vào tuần tự các mục nguyên nhân đó để xem chi tiết hơn.
Sơ đồ trang web – Sitemaps
Sơ đồ trang web hay còn gọi là Sitemaps, có nhiệm vụ cung cấp cho các công cụ thu thập dữ liệu như Google Bot, Bing Bot, … nắm được tổ chức nội dung (sơ đồ nội dung) trên website của bạn. Nhờ đó quá trình thu thập dữ liệu sẽ diễn ra có tổ chức theo ý đồ của chủ website hơn thay vì thực hiện tự động.
Nếu bạn muốn bổ sung sơ đồ trang web mới thì nhập URL của Sitemap cần thêm vào. Ví dụ: thêm Sitemap cho tags thì sẽ nhập vào post_tag-sitemap.xml
sau đó nhấn vào nút Gửi để hoàn tất.
Trong trường hợp bạn muốn xóa Sitemap nào đó không cần thiết hoặc gửi mà báo lỗi thì nhấn vào sơ đồ trang web đó >> nhấn vào dấu 3 chấm như hình bên dưới sẽ có nút Xóa sơ đồ trang web.
Về sơ đồ trang web còn có một kiến thức và vấn đề khác nữa. Trong khuôn khổ bài viết này mình chỉ nêu sơ lượt thôi, có gì bạn xem lại bài viết Sitemap là gì? đã được đăng lên IMTA trước đó nhé !
Xóa URL mà bạn không muốn hiển thị trên kết quả tìm kiếm
Có 2 phương pháp thủ công giúp ngăn URL hiển thị trên công cụ tìm kiếm của Google là xóa hẳn nội dung đó trên website hoặc tùy chọn noindex cho bài viết/ trang/ chuyên mục đó. Xóa thì bạn dễ hình dung rồi nhỉ, còn noindex sẽ áp dụng trong trường hợp bạn vẫn sử dụng nội dung đó nhưng chỉ là không muốn nó xuất hiện trên kết quả tìm kiếm của Google.
Còn xóa URL trong Google Search Console có 02 trường hợp áp dụng như sau, URL mà bạn cần xóa phù hợp với trường hợp nào thì áp dụng nhé:
- Xóa tạm thời: Áp dụng cho các URL vẫn tồn tại và bạn chỉ muốn xoá chúng khỏi kết quả tìm Google trong thời hạn 180 ngày (6 tháng). Hoặc URL đó bạn đã xóa trên web rồi nhưng bên ngoài kết quả tìm kiếm vẫn hiển thị.
- Xóa nội dung lỗi thời: Áp dụng cho URL/hình ảnh không đã bị xóa trên web hoặc đã được cập nhật sửa đổi, nhưng Google Search vẫn trả về kết quả cũ. Yêu cầu xóa nội dung lỗi thời sẽ xoá hình ảnh hoặc URL (nếu hình ảnh/URL đó không còn tồn tại) hoặc cập nhật hình ảnh hoặc trang trong kết quả trên Google Search (nếu hình ảnh/URL đó đã thay đổi).
Để bắt đầu sử dụng công cụ xóa URL trong Google Search Console bạn nhấp vào nút YÊU CẦU MỚI như hình bên dưới.
Sau khi nhấp vào nút YÊU CẦU MỚI, công cụ xóa URL sẽ mở ra. Bạn nhập vào đó URL cần xóa và chọn cách xóa cần áp dụng. Ở hình bên dưới mình thực hiện xóa tạm thời với một bài viết đã cũ trên website.
Lúc này để đảm bảo chắc chắn, Google Search Console sẽ hiển thị hộp thoại yêu cầu bạn xác nhận về quyết định xóa URL. Bạn nhấp vào nút GỬI YÊU CẦU để hoàn tất.
Lưu ý: URL bạn nhập vào sẽ xóa khỏi kết quả tìm kiếm bao gồm có tiền tố www và giao thức http hoặc https. Thời hạn bị chặn hiển thị trong kết quả tìm kiếm của Google là 6 tháng. Các URL được gửi yêu cầu xóa sẽ hiển thị danh sách bên ngoài. Nếu bạn suy nghĩ lại (không muốn xóa) thì có thể tùy chọn hủy bất cứ lúc nào.
Xem báo cáo về liên kết trên website
Một trong những công việc được chú trọng của các SEOer, Webmaster là xem báo cáo về trạng thái các link đã triển khai ở trong và ngoài website, xem thử các link đó có được truy cập không, số lượng truy cập bao nhiêu. Ngoài ra, công việc này cũng giúp bạn kiểm soát những liên kết xấu và sớm thực hiện ngăn chặn để tránh bị công cụ tìm kiếm đánh giá xấu website của bạn.
Báo cáo tổng quan này bao gồm 02 nhóm chính là liên kết nội bộ và liên kết từ bên ngoài trỏ về website của bạn. Dưới đây mình sẽ chú thích từng nhóm để bạn hình dung:
- Các liên kết bên trong: Hay còn gọi là liên kết nội bộ, hiểu một cách đơn giản, đó là bất kỳ link nào trên website của bạn trỏ về những trang thuộc website đó thì được gọi là liên kết nội bộ. Ví dụ: Trong bài viết A bạn chèn link trỏ đến bài viết B trên website, các link ở thanh menu, . . .
- Liên kết bên ngoài: Là liên kết từ website khác trỏ về website của bạn. Ví dụ trên website của người khác có chèn banner quảng cáo/ link trong bài viết trỏ về website của bạn, thì đó được gọi là một liên kết ngoài. Một thuật ngữ khác được sử dụng với ý nghĩa tương tự, đó là Backlink.
Ghi chú: Trong trường hợp bạn chèn liên kết trỏ ra ngoài website thì đó được gọi là External link hoặc Outbound link chứ không phải là liên kết ngoài.
Để kiểm tra xem mức độ hiệu quả sau quá trình “đi link”/ thuê dịch vụ đặt link trên các website tin tức, báo chí, bạn hãy nhấp vào từng URL cụ thể trong danh sách. Qua đó có thể biết được backlink đến từ nguồn nào là nhiều. Nhờ vậy có kế hoạch đầu tư/ xây dựng backlink trong tương lai cho phù hợp.
Ngoài ra, với việc kiểm soát các backlink trỏ về, bạn cũng biết được hiện tại có những link xấu nào không. Link xấu là link đến từ các website được cho là nguy hiểm, 18+, bạo lực, . . . nói chung là từ những website có nội dung xấu. Từ kết quả báo cáo đó bạn có thể sử dụng công cụ Từ chối các đường liên kết đến trang web của bạn để ngăn chặn backlink xấu. Đây là quy trình cũng khá phức tạp, bạn xem chi tiết hơn tại bài viết: Chặn Backlink xấu bằng công cụ Google Search Console.
Tương tự, bạn cũng có thể xem báo cáo và kiểm soát các liên kết bên trong (liên kết nội bộ). Có một số trường hợp, kẻ xấu lợi dụng sơ hở ở vấn đề thu thập dữ liệu ở công cụ tìm kiếm trên website. Họ sẽ thực hiện hàng loạt các truy vấn xấu, nhưng vấn đề là các truy vấn đó vẫn có thể được Google thu thập dữ liệu và đánh giá xấu website của bạn. Ở trường hợp này bạn có thể thực hiện chặn thu thập dữ liệu với truy vấn tìm kiếm trong file robots.txt. Bạn xem lại bài viết Robots.txt là gì, mình có hướng dẫn về cách chặn cái này rồi. Còn những URL nào đã bị index thì bạn thực hiện xóa thủ công với công cụ Xóa URL mình đã hướng dẫn ở trên nhé !
Xem báo cáo về trải nghiệm trên trang
Trải nghiệm trên trang là tiêu chí mà Google đưa vào đánh giá, xếp hạng tìm kiếm cho website của bạn từ 2021. Tuy nhiên, mình đưa phần này ra sau cùng vì nội dung này mình đã có một bài nói cụ thể hơn trên IMTA. Bạn xem lại bài viết Core Web Vitals là gì? để có nhiều thông tin hơn nhé !
Trong báo cáo Chỉ số Thiết yếu về Trang web (Core Web Vitals) bạn sẽ có được những khuyến nghị quan trọng như sau:
- Nếu website của bạn có URL kém (màu đỏ) trên di động và máy tính thì phải tìm cách khắc phục vấn đề ngay để tránh việc Google “trừ điểm” website của bạn trong xếp hạng tìm kiếm;
- Nếu website của bạn không có nhiều URL tốt (màu xanh) mà toàn là URL cần cải thiện thì cũng đừng quá lo lắng. Nếu có thể, bạn hãy tìm cách tối ưu lại web để nâng cao điểm số để đáp ứng các tiêu chuẩn của Core Web Vitals là sẽ “xanh” lên. Còn không, bạn giữ nguyên hiện trạng như vậy, đừng để bị cảnh báo màu đỏ là được.
Báo cáo mới của Google Search Console trong những năm gần đây có bổ sung thêm phần Core Web Vitals (Chỉ số Thiết yếu về Trang web). Tuy nhiên, thông thường website của bạn đã tối ưu tốt thì rất ít khi phải chú trọng đến phần này. Hoặc chưa tối ưu tốt thì các chỉ số vẫn cứ vậy, không tối ưu thì không có gì thay đổi. Và đây cũng là lý do khiến mình đề cập phần Chỉ số Thiết yếu về Trang web sau cùng.
Thao tác thủ công
Thao tác thủ công là hình thức nhân viên của Google sẽ phạt website của bạn. Google sẽ dùng người để phát hiện ra những website tránh né hệ thống đặc biệt là những website cố tình đặt backlink thao túng kết quả tìm kiếm
Google Search Console Insights: Công Cụ Hữu Ích Cho Content Creators
Gần đây, Google giới thiệu một tính năng mới mang tên Search Console Insights, nhằm hỗ trợ chủ sở hữu trang web nhằm cải thiện nội dung. Đây là một công cụ mới, đặc biệt hữu ích với nhũng người tạo content website, giúp hiển thị thống kê trực quan hơn.
Lợi ích của Search Console Insights
Chủ sở hữu trang web có thể sử dụng dữ liệu từ Search Console Insights để hiểu rõ hơn về những nội dung nào đang được người đọc quan tâm, hay những nội dung nào tác động đến thương hiệu.
Với dữ liệu từ Search Console Insights, người xuất bản nội dung có thể trả lời các câu hỏi như:
- Nội dung nào trên trang web hoạt động tốt nhất?
- Hiệu quả của những nội dung mới ra sao?
- Làm thế nào để mọi người khám phá nội dung của bạn?
- Các truy vấn hàng đầu và thịnh hành trên Google là gì?
- Những trang web và bài viết nào liên kết đến nội dung của bạn? Bạn có nhận được liên kết mới nào không?
Hướng dẫn truy cập Search Console Insights
Hiện tại, tính năng này vẫn đang được thử nghiệm trong bản beta. Google sẽ thiển thị hông báo cho các chủ sở hữu trang web nếu họ được chọn tham gia thử nghiệm này.
Nếu bạn đã chọn không nhận email từ Google, bạn có thể kiểm tra xem trang web của mình có thuộc bản beta kín hay không bằng cách tìm kiếm một truy vấn mà trang web của bạn xếp hạng trên Google. Nếu được chọn, bạn sẽ thấy một kết quả với tiêu đề “Hiệu suất tìm kiếm cho truy vấn này,” cung cấp quyền truy cập vào Search Console Insights.
Google hy vọng sẽ mở rộng bản beta này cho nhiều người dùng hơn trong tương lai và tăng số lượng trang web mà mỗi người dùng có thể thêm vào Search Console Insights. Những người được mời tham gia sẽ nhận được email với hướng dẫn chi tiết hơn.
Những câu hỏi thường gặp
Nếu bạn là người mới tìm hiểu về Google Search Console chắc hẳn sẽ có nhiều thắc mắc. Để giúp bạn giải đáp nhanh những thắc mắc đó thì dưới đây mình liệt kê một số câu hỏi thường gặp và câu trả lời tương ứng để bạn tham khảo.
LỜI KẾT
Đây là một nội dung tương đối khó, do đó mình đã tóm lượt những phần cần thiết và phù hợp với người mới để bạn dễ hình dung. Hy vọng với những gì mình đã trình bày ở trên, có thể giúp bạn kiểm soát và tối ưu tốt hơn nguồn traffic từ công cụ tìm kiếm của Google.
Như thường lệ, bài viết Google Search Console là gì? Cách cài đặt & sử dụng GSC đến đây là kết thúc. Trong quá trình thực hiện, nếu bạn có điều gì thắc mắc thì cứ để lại bình luận bên dưới nhé. IMTA sẽ sớm phản hồi lại bạn, xin chào và hẹn gặp lại bạn trong các bài viết tiếp theo tại IMTA.EDU.VN!