Mô hình 5 Forces là một trong những công cụ phân tích chiến lược cạnh tranh, giúp doanh nghiệp đánh giá được mức độ cạnh tranh trong ngành và các yếu tố ảnh hưởng đến sự phát triển của doanh nghiệp. Trong bài viết này, IMTA sẽ giúp bạn hiểu rõ hơn về mô hình 5 Forces là gì và tìm hiểu một số ví dụ về mô hình 5 áp lực cạnh tranh của doanh nghiệp trong thực tế để hiểu rõ hơn về cách áp dụng mô hình này.
Những nội dung chính cần chú ý về mô hình 5 Forces trong bài viết này:
- Mô hình 5 Forces là gì?
- Các yếu tố trong mô hình 5 Forces của Porter
- Vai trò của mô hình 5 Forces trong doanh nghiệp
- Ưu và nhược điểm của mô hình 5 áp lực cạnh tranh
- Các mô hình và công cụ hỗ trợ phân tích 5 áp lực cạnh tranh
- Ví dụ về mô hình 5 áp lực cạnh tranh
1. Mô hình 5 Forces là gì?
Mô hình 5 Forces hay còn gọi là mô hình 5 áp lực cạnh tranh, đây là một công cụ phân tích chiến lược do Michael Porter phát triển năm 1979.
Mục đích của mô hình 5 Forces là giúp doanh nghiệp đánh giá được mức độ cạnh tranh trong ngành, phân tích môi trường và xây dựng chiến lược kinh doanh hiệu quả để nâng cao khả năng cạnh tranh, tạo lợi thế cạnh tranh cho doanh nghiệp hơn so với các đối thủ khác trên thị trường.
- Khóa học Digital Marketing - Chạy đa kênh chuyên sâu
- Khóa học Facebook Ads - Cơ bản đến nâng cao
- Khóa học quảng cáo Google Tìm kiếm & hiển thị cơ bản - chuyên sâu
- Khóa học SEO website Từ khóa bền vững
2. Các yếu tố trong mô hình 5 Forces của Porter
Mô hình 5 Forces tiếng Anh là Porter’s Five Forces bao gồm 5 yếu tố: Competitive Rivalry – Threat of New Entrants – Bargaining Power of Suppliers – Bargaining Power of Buyers – Threat of Substitutes.
Yếu tố 1: Đối thủ cạnh tranh hiện tại
Trong mô hình 5 áp lực cạnh tranh của Michael Porter, đối thủ cạnh tranh hiện tại (Competitive Rivalry) là một yếu tố thể hiện mức độ cạnh tranh giữa các doanh nghiệp trong cùng một ngành hàng với nhau. Yếu tố này sẽ làm ảnh hưởng rất lớn đến doanh nghiệp, làm giảm thị phần, giảm lợi nhuận,…
Khi doanh nghiệp có quá nhiều đối thủ cạnh tranh, cùng với đó là sự tăng trưởng chậm của thị trường hoặc các sản phẩm của doanh nghiệp ít có sự khác biệt so với các đối thủ. Lúc này, áp lực cạnh tranh trên thị trường sẽ trở nên khốc liệt hơn, doanh nghiệp cần phải đầu tư hơn về các chiến lược giá, chiến lược Marketing, chi phí Marketing, cải thiện chất lượng sản phẩm/dịch vụ,… để có thể giành lại thị phần và chiếm ưu thế hơn.
Ví dụ: Trong ngành bán lẻ điện thoại thì Thế Giới Di Động, CellphoneS, FPT Shop,… đang cạnh tranh với nhau về giá cả, chất lượng, ưu đãi khi mua hàng,….
Các yếu tố ảnh hưởng đến mức độ cạnh tranh trong ngành của doanh nghiệp bao gồm:
- Số lượng đối thủ cạnh tranh: Khi doanh nghiệp có nhiều đối thủ cạnh tranh cùng cung cấp các sản phẩm/dịch vụ tương tự với nhau thì mức độ cạnh tranh giữa các doanh nghiệp cực kỳ gay gắt. Khách hàng có nhiều sự lựa chọn, nên doanh nghiệp phải liên tục đổi mới, đầu tư vào các chương trình khuyến mại, giảm giá để thu hút khách hàng.
- Tốc độ tăng trưởng của ngành: Nếu ngành hàng đang tăng trưởng chậm hoặc đang bị bão hòa trên thị trường, thì các doanh nghiệp cần phải cạnh tranh với nhau để giành lại thị phần trên thị trường, yếu tố này sẽ làm cho áp lực cạnh tranh trong ngành trở nên gay gắt khi doanh nghiệp nào cũng muốn giành thị phần.
- Mức độ khác biệt của sản phẩm/dịch vụ: Khi các sản phẩm/dịch vụ trong ngành của doanh nghiệp ít có sự khác biệt trên thị trường so với các đối thủ cạnh tranh khác, thò khách hàng sẽ rất dễ nhầm lẫn giữa sản phẩm/dịch vụ của các doanh nghiệp với nhau hoặc dễ chuyển sang mua sản phẩm/dịch vụ của đối thủ. Yếu tố này khiến doanh nghiệp cảm thấy bị áp lực và phải cạnh tranh hơn về giá, các chương trình Marketing,…
- Rào cản gia nhập thị trường: Nếu một ngành có rào cản gia nhập thị trường thấp (ít vốn đầu tư, dễ sản xuất…) thì sẽ có nhiều đối thủ cạnh tranh xuất hiện và gây áp lực cạnh tranh lớn. Ngược lại, nếu rào cản gia nhập thị trường cao (vốn đầu tư cao, khó sản xuất, nhiều quy trình,…) thì sẽ ít xuất hiện đối thủ cạnh tranh, thị trường cũng ít áp lực hơn.
Yếu tố 2: Mối đe dọa từ những đối thủ mới
Mối đe dọa từ những đối thủ cạnh tranh mới (Threat of New Entrants) thể hiện khả năng các doanh nghiệp mới sẽ tham gia và cạnh tranh cùng ngành hàng với doanh nghiệp trên thị trường.
Khi ngành hàng có rào cản gia nhập thấp, thì các đối thủ cạnh tranh tiềm ẩn mới xuất hiện trên thị trường sẽ có khả năng giành được thị phần hơn so với doanh nghiệp hiện tại, nhờ vào các chiến lược Digital Marketing độc đáo, nguồn lực và năng lực sản xuất mới,… gây nên những áp lực về giá cả, chi phí Marketing, lợi nhuận và doanh số cho doanh nghiệp hiện tại.
Một số yếu tố đo lường mức độ đe dọa của những đối thủ cạnh tranh mới của doanh nghiệp:
- Tính kinh tế theo quy mô: Những doanh nghiệp có thể sản xuất hàng hóa/dịch vụ với chi phí thấp nhờ vào quy mô lớn, thì những doanh nghiệp mới xuất hiện trên thị trường sẽ gặp khó khó khăn khi cạnh tranh về giá cả nếu không có quy mô sản xuất lớn.
- Sự khác biệt sản phẩm/dịch vụ: Một doanh nghiệp đã có thương hiệu mạnh, hệ thống bộ nhận diện thương hiệu ấn tượng, sản phẩm /dịch vụ độc đáo,… hoặc xây dựng được lòng trung thành của khách hàng đối với doanh nghiệp. Dù trên thị trường có xuất hiện các thương hiệu, doanh nghiệp cạnh tranh khác cũng rất khó để khiến khách hàng chuyển sang thương hiệu, sản phẩm/dịch vụ mới.
- Yêu cầu về vốn: Chi phí khởi nghiệp của một số ngành rất cao, như cần phải đầu tư vào máy móc, thiết bị mới, công nghệ,… khiến cho một số đối thủ cạnh tranh khác nếu không có nguồn ngân sách lớn thì rất khó để tham gia cạnh tranh trên thị trường.
- Tiếp cận các kênh phân phối: Nếu doanh nghiệp đã xây dựng được một hệ thống kênh phân phối đa kênh như siêu thị, cửa hàng bán lẻ, sàn thương mại điện tử,… đặc biệt là các kênh phân phối độc quyền, thì các đối thủ cạnh tranh tiềm ẩn mới xuất hiện trên thị trường sẽ rất khó để có thể đưa sản phẩm/dịch vụ tiếp cận đến người tiêu dùng.
- Quy định: Một số ngành hàng có những quy định về chất lượng, giấy phép, giấy chứng nhận, thuế… chịu sự quản lý chặt chẽ từ nhà nước khiến cho các đối thủ sẽ khó có thể gia nhập thị trường.
- Chi phí chuyển đổi: Đây là những khoản chi phí mà khách hàng sẽ phải chịu khi thay đổi sản phẩm/dịch vụ của doanh nghiệp sang một doanh nghiệp mới. Những chi phí này có thể là thời gian, công sức, tài chính,… và nếu khách hàng gặp phải chi phí chuyển đổi cao thì sẽ rất khó để rời bỏ doanh nghiệp hiện tại.
Yếu tố 3: Quyền thương lượng của nhà cung cấp
Quyền thương lượng của nhà cung cấp (Bargaining Power of Suppliers) thể hiện mức độ ảnh hưởng của họ có thể áp đặt lên doanh nghiệp, qua việc điều chỉnh giá cả, chất lượng sản phẩm/dịch vụ, điều chỉnh số lượng hàng hóa,….
Khi nhà cung cấp có quyền lực lớn thì họ có thể tăng giá sản phẩm/dịch vụ, giảm chất lượng sản phẩm,… đưa ra nhiều điều kiện bất lợi cho doanh nghiệp (người mua), làm giảm lợi nhuận và khả năng cạnh tranh của doanh nghiệp trên thị trường.
Quyền thương lượng của nhà cung cấp phụ thuộc vào một số yếu tố:
- Số lượng nhà cung cấp: Khi số lượng nhà cung cấp trong ngành ít hoặc có sự độc quyền, thì các nhà cung cấp sẽ nắm được thế chủ động trong quá trình đàm phán với doanh nghiệp. Ngược lại, nếu số lượng nhà cung cấp có nhiều thì doanh nghiệp sẽ có nhiều sự lựa chọn khác nhau, lúc này sức mạnh của nhà cung cấp sẽ giảm.
- Tính độc đáo: Nếu sản phẩm của nhà cung cấp có tính độc quyền, khó thay thế thì nhà cung cấp sẽ có lợi thế hơn và doanh nghiệp phải phụ thuộc theo nhà cung cấp đó.
- Chi phí chuyển đổi: Đây là những chi phí mà doanh nghiệp sẽ cần phải bỏ ra khi muốn thay đổi nhà cung cấp khác, bao gồm: ngân sách tài chính, thời gian, công sức, rủi ro trong quá trình chuyển đổi,….
- Khả năng tích hợp của nhà cung cấp: Một nhà cung cấp có vừa tự sản xuất và cũng có khả năng tự kinh doanh trên thị trường. Lúc này, áp lực cạnh tranh của các doanh nghiệp đối với nhà cung cấp này sẽ rất lớn bởi họ có khả năng tích hợp.
- Tầm quan trọng của ngành: Nếu ngành hàng của doanh nghiệp chiếm một phần lớn trong doanh thu và lợi nhuận của nhà cung cấp, thì lúc này nhà cung cấp sẽ đưa ra những chính sách hợp tác tốt nhất để có thể xây dựng mối quan hệ hợp tác lâu dài với doanh nghiệp.
Yếu tố 4: Quyền thương lượng của người mua
Quyền thương lượng của người mua (Bargaining Power of Buyers) thể hiện mức độ ảnh hưởng của khách hàng đến giá cả, trong đó khách hàng có thể gây áp lực lên doanh nghiệp để đòi một mức giá thấp hơn, sản phẩm chất lượng hơn, nhiều chương trình khuyến mại hơn,…. từ đó buộc doanh nghiệp phải điều chỉnh lại các chiến lược trong kinh doanh và các chiến lược Marketing Online.
Quyền thương lượng của người mua phụ thuộc vào một số yếu tố:
- Số lượng người mua: Nếu doanh nghiệp có một số lượng khách hàng mua cố định và họ chiếm phần lớn doanh thu của doanh nghiệp, thì lúc này người mua sẽ có quyền thương lượng với doanh nghiệp. Ngược lại, nếu là những khách hàng nhỏ lẻ không chiếm nhiều doanh thu của doanh nghiệp, thì lúc này quyền thương lượng của người mua sẽ rất thấp.
- Mức độ nhạy cảm về giá: Người mua thường quan tâm đến giá cả của các sản phẩm, chính vì vậy nếu các sản phẩm không có sự khác biệt giữa các thương hiệu với nhau thì người mua sẽ có xu hướng ép giá doanh nghiệp. Đồng thời, các doanh nghiệp cũng phải điều chỉnh chiến lược giá thấp để có thể thu hút và tiếp cận đến những đối tượng khách hàng nhạy cảm về giá.
- Khả năng nhận thức về thông tin: Khi người mua có nhiều thông tin về sản phẩm, giá cả,…. thì họ sẽ dễ dàng so sánh các sản phẩm của doanh nghiệp với đối thủ, từ đó đàm phán và thương lượng lại với doanh nghiệp về sản phẩm.
Yếu tố 5: Mối đe dọa từ các sản phẩm thay thế khác
Mối đe dọa từ các sản phẩm thay thế (Threat of Substitutes), yếu tố này đề cập đến khả năng khách hàng chuyển từ sản phẩm/dịch vụ của doanh nghiệp này sang các sản phẩm/dịch vụ có chức năng tương tự nhưng thuộc ngành khác của doanh nghiệp khác cung cấp.
Khi các sản phẩm thay thế có mặt trên thị trường, nhu cầu của khách hàng về sản phẩm hiện tại sẽ giảm đi và đồng thời áp lực cạnh tranh của doanh nghiệp tăng lên, ảnh hưởng đến doanh thu, lợi nhuận của doanh nghiệp.
3. Vai trò của mô hình 5 Forces trong doanh nghiệp
Có thể thấy, 5 yếu tố trong mô hình 5 Forces của Michael Porter có vai trò rất quan trọng trong doanh nghiệp giúp đánh giá toàn diện các áp lực từ thị trường, để từ đó có thể định hướng cho chiến lược Marketing và tạo lợi thế cạnh tranh cho doanh nghiệp của mình trên thị trường.
Dưới đây là một số vai trò của mô hình 5 Forces trong doanh nghiệp:
- Hiểu rõ môi trường cạnh tranh: Mô hình 5 áp lực cạnh tranh cung cấp cho doanh nghiệp một cái nhìn tổng thể về các áp lực cạnh tranh trong ngành. Với 5 yếu tố trong mô hình Năm áp lực cạnh tranh, doanh nghiệp sẽ có thể biết được các đối thủ cạnh tranh hiện tại, đối thủ cạnh tranh tiềm ẩn mới, sức mạnh của các nhà cung cấp và khách hàng, cũng như là mối đe dọa từ các sản phẩm thay thế khác trên thị trường.
- Phân tích đối thủ cạnh tranh: Từ việc phân tích đối thủ cạnh tranh trong mô hình Michael Porter, doanh nghiệp sẽ có thể phân loại được đối thủ và đánh giá được điểm mạnh, điểm yếu của các đối thủ đang cạnh tranh trong ngành. Từ đó tìm kiếm cho doanh nghiệp của mình một lợi điểm bán hàng độc nhất (USP) để tạo lợi thế cạnh tranh trên thị trường.
- Đánh giá mức độ cạnh tranh: Bằng cách phân tích mô hình 5 Forces, doanh nghiệp sẽ đánh giá được mức độ cạnh tranh đến từ nhà cung cấp, khách hàng, đối thủ, các sản phẩm thay thế. Để từ đó đánh giá được mức độ cạnh tranh cao – thấp và đưa ra các chiến lược kinh doanh phù hợp với tình hình cạnh tranh.
- Xác định được cơ hội và thách thức: Khi phân tích từng yếu tố trong mô hình áp lực cạnh tranh, doanh nghiệp sẽ biết được những cơ hội (như tiềm năng thị trường, nhu cầu khách hàng,…) để phát triển chiến lược cho phù hợp. Đồng thời, doanh nghiệp cũng sẽ biết được những thách thức mà mình sẽ gặp phải (như xu hướng thay đổi, đối thủ cạnh tranh tiềm ẩn,…) để từ đó chuẩn bị một chiến lược phù hợp.
- Xây dựng chiến lược cạnh tranh: Dựa vào việc phân tích 5 yếu tố trong mô hình, doanh nghiệp sẽ có thể xây dựng được một chiến lược cạnh tranh tổng thể như: định vị thương hiệu, định vị sản phẩm để tạo sự khác biệt so với đối thủ, điều chỉnh chiến lược phân phối, định hướng phát triển thị trường mới để kéo dài chu kỳ sống của sản phẩm,…
4. Ưu điểm và nhược điểm của mô hình 5 áp lực cạnh tranh
Với mô hình 5 áp lực cạnh tranh, doanh nghiệp sẽ xác định được 5 yếu tố ảnh hưởng đến tình hình phát triển, lợi nhuận của doanh nghiệp trong kinh doanh. Tuy nhiên, cũng như các mô hình phân tích khác thì trong mô hình 5 Forces của Michael Porter cũng có những ưu và nhược điểm khi áp dụng trong phân tích doanh nghiệp.
Dưới đây là ưu điểm và nhược điểm của mô hình 5 áp lực cạnh tranh, để bạn có thể hiểu rõ hơn khi áp dụng vào cho doanh nghiệp:
Ưu điểm của mô hình 5 áp lực cạnh tranh (5 Forces) | Nhược điểm của mô hình 5 áp lực cạnh tranh (5 Forces) |
– Hiểu rõ môi trường cạnh tranh tổng thể, các yếu tố bên ngoài ảnh hưởng đến tình hình kinh doanh và chiến lược Marketing của doanh nghiệp. | – Mô hình 5 Forces chỉ tập trung vào các yếu tố bên ngoài ảnh hưởng đến doanh nghiệp, mà không xem xét đến các yếu tố nội bộ bên trong của doanh nghiệp. |
– Nhận diện được các cơ hội và thách thức trong ngành qua 5 yếu tố trong mô hình 5 Forces. | – Mô hình chỉ tập trung vào các yếu tố cạnh tranh ở một thời điểm nhất định, mà không phản ánh được sự thay đổi của xu hướng thị trường. |
– Xây dựng chiến lược cạnh tranh hiệu quả, giúp doanh nghiệp có hướng đi phù hợp và tăng khả năng cạnh tranh trong ngành. | – Mô hình quá tập trung vào yếu tố cạnh tranh với các đối thủ, mà không xem xét đến các yếu tố hợp tác giữa các doanh nghiệp với nhau. |
5. Các mô hình và công cụ hỗ trợ phân tích 5 áp lực cạnh tranh
Để có thể ứng dụng và hiểu rõ mô hình 5 Forces hơn, thì doanh nghiệp thường áp dụng thêm một số mô hình và công cụ hỗ trợ phân tích 5 áp lực cạnh tranh được đơn giản và hiệu quả hơn.
Các mô hình hỗ trợ phân tích 5 áp lực cạnh tranh
Mô hình ma trận SWOT
Nếu như mô hình 5 Forces giúp doanh nghiệp phân tích được các áp lực cạnh tranh bên ngoài, thì mô hình SWOT bao gồm: Strengths (Điểm mạnh) – Weaknesses (Điểm yếu) – Opportunities (Cơ hội) – Threats (Thách thức), giúp doanh nghiệp phân tích được cả các yếu tố bên trong kết hợp với các yếu tố bên ngoài ảnh hưởng đến tình hình kinh doanh của doanh nghiệp.
Mô hình PEST
Mô hình PEST bao gồm 4 yếu tố: Political (Kinh tế) – Economic (Chính trị) – Social (Xã hội) – Technological (Công nghệ), giúp doanh nghiệp đánh giá và hiểu thêm về các yếu tố vĩ mô bên ngoài ảnh hưởng đến doanh nghiệp trong quá trình kinh doanh. Đồng thời, mô hình PEST giúp hỗ trợ cho mô hình 5 Forces để đánh giá các yếu tố áp lực bên ngoài doanh nghiệp được chính xác và đầy đủ nhất.
Các công cụ hỗ trợ phân tích 5 áp lực cạnh tranh
Ngoài các mô hình phân tích là SWOT và PEST thì để phân tích mô hình 5 áp lực cạnh tranh, doanh nghiệp còn có thể áp dụng một số công cụ hỗ trợ như:
- Công cụ phân tích đối thủ cạnh tranh như SEMRush, Ahrefs,… để có thể phân tích và theo dõi các chiến lược SEO, năng lực cạnh tranh của đối thủ.
- Công cụ nghiên cứu thị trường như Google Trends,… cùng các phương pháp nghiên cứu thị trường như nghiên cứu sơ cấp, nghiên cứu thị trường thứ cấp để có thể theo dõi được tình hình phát triển của thị trường, dự đoán được các xu hướng theo thời gian.
6. Ví dụ về mô hình 5 áp lực cạnh tranh
Mô hình 5 áp lực cạnh tranh của Coca-Cola
Coca-Cola là một thương hiệu nước giải khát lớn được thành lập năm 1886 tại Mỹ. Hiện nay thương hiệu nước ngọt có gas Coca-Cola đã có hệ thống phân phối khắp các nước trên thế giới, với nhiều loại sản phẩm phù hợp cho nhiều đối tượng khách hàng khác nhau.
Để có thể giữ vững được vị thế thương hiệu trên thị trường hiện nay, thì Coca-Cola cũng đã phải đối mặt với nhiều áp lực cạnh tranh. Theo mô hình 5 Forces, Coca-Cola đã phải đối mặt với 5 áp lực cạnh tranh theo 5 yếu tố:
- Đối thủ cạnh tranh hiện tại: Coca-Cola phải đối mặt với đối thủ cạnh tranh trực tiếp là Pesi, đây là đối thủ có quy mô thị trường, thực hiện các chiến lược marketing và chiến lược phân phối tương tự như của Coca-Cola khiến cho mức độ cạnh tranh trong ngành rất cao.
- Mối đe dọa từ những đối thủ mới: Đối với ngành nước ngọt giải khát thì chi phí để ra nhập thị trường rất lớn (như chi phí sản xuất, marketing, chi phí thương hiệu,,..) nên Coca-Cola có lợi thế hơn nhờ chi phí sản xuất. Tuy nhiên, nhu cầu của khách hàng ngày càng thay đổi đã dẫn đến sự xuất hiện của những đối thủ mới chuyên cung cấp các sản phẩm đồ uống healthy, organic hơn. Điều này đã khiến cho Coca-Cola phải đa dạng sản phẩm.
- Quyền thương lượng của nhà cung cấp: Coca-Cola có quy mô lớn trên toàn thế giới tại các nước và có mối quan hệ hợp tác sản xuất lâu dài với các nhà cung cấp chính. Tuy nhiên, sự phụ thuộc vào nhà cung cấp đã khiến cho Coca-Cola tạo ra một số rủi ro khi thị trường của các nhà cung cấp bị biến động.
- Quyền thương lượng của người mua: Hiện nay khách hàng có rất nhiều lựa chọn về các sản phẩm đồ uống trên thị trường và rất dễ dàng rời bỏ Coca-Cola để chuyển sang các thương hiệu khác. Điều này đã tạo nên áp lực rất lớn cho Coca-Cola và thương hiệu phải thay đổi cải tiến sản phẩm, đưa ra nhiều chương trình Marketing và chiến lược giá để giữ chân khách hàng.
- Mối đe dọa từ các sản phẩm thay thế: Với sự phát triển của thị trường và ngành đồ uống, người tiêu dùng thì ngày càng có nhận thức về sức khỏe thường chuyển qua các đồ uống lành mạnh, ít đường, ít calo,… điều này đã làm giảm số lượng sản phẩm tiêu thụ, lợi nhuận của Coca-Cola, đồng thời tạo ra một mối đe dọa tương lai của thương hiệu.
Mô hình 5 áp lực cạnh tranh của Vinamilk
Vinamilk là thương hiệu sữa hàng đầu tại Việt Nam được thành lập từ năm 1976. Với sứ mệnh “Vươn cao Việt Nam”, Vinamilk đã không ngừng đổi mới sản phẩm, nâng cao chất lượng và mang đến đa dạng các dòng sữa khác nhau để đáp ứng nhu cầu cầu của người tiêu dùng.
Tuy nhiên, để có thể giữ vững được vị thế trên thị trường sữa đầy cạnh tranh như hiện nay, Vinamilk đã phải trải qua 5 yếu tố áp lực cạnh tranh theo mô hình của Michael Porter.
- Đối thủ cạnh tranh hiện tại: Vinamilk phải đối mặt với các đối thủ cạnh tranh trong và ngoài nước như TH True Milk, Dutch Lady,… những đối thủ này liên tục đổi mới, cải tiến sản phẩm và đẩy mạnh các chiến dịch marketing để có thể giành thị phần sữa tại Việt Nam.
- Mối đe dọa từ những đối thủ mới: Ngành sữa có rào cản gia nhập thị trường rất cao, nhiều quy định về chất lượng an toàn thực phẩm, công nghệ,… Tuy nhiên với sự phát triển của nhiều thương hiệu mới như Nestle, Nutifood… đã tạo nên sự cạnh tranh rất cao trong ngành sữa.
- Quyền thương lượng của nhà cung cấp: Thương hiệu Vinamilk đầu tư vào xây dựng hệ thống trang trại bò sữa và áp dụng thêm các công nghệ hiện đại, nên có thể tự chủ một phần về nguồn cung sản xuất sữa. Tuy nhiên, Vinamilk vẫn bị phụ thuộc vào các nhà sản xuất in ấn bao bì và hợp tác thêm với các chủ trang trại bò sữa khác để tạo sự đa dạng về nguồn cung cấp, giảm rủi ro trong chăn nuôi và sản xuất sữa.
- Quyền thương lượng của người mua: Hiện nay, khách hàng có rất nhiều lựa chọn về các sản phẩm dinh dưỡng nên họ sẽ rất dễ rời bỏ Vinamilk để lựa chọn các sản phẩm có chất lượng giá giá cả hợp lý hơn. Điều này đã gây ra áp lực cho Vinamilk và thương hiệu đã phải liên tục cải tiến sản phẩm, làm mới thương hiệu, phát triển các chiến lược Marketing,… để thu hút và giữ chân khách hàng.
- Mối đe dọa từ các sản phẩm thay thế: Các sản phẩm sữa hạt, sữa chua, sữa đậu nành,… là những sản phẩm thay thế được người tiêu dùng lựa chọn thay cho sữa Vinamilk. Từ đây, thương hiệu phải chịu sự áp lực bởi các sản phẩm thay thế trên thị trường và phải đa dạng hóa sản phẩm để đáp ứng theo xu hướng tiêu dùng của khách hàng.
7. Những câu hỏi thường gặp về 5 Forces
8. Tổng kết
Khi áp dụng mô hình 5 Forces trong kinh doanh, doanh nghiệp sẽ xác định được các yếu tố cạnh tranh trong ngành như đối thủ cạnh tranh hiện tại, đối thủ cạnh tranh tiềm ẩn, áp lực từ nhà cung cấp và khách hàng, áp lực từ các sản phẩm thay thế trên thị trường.
Hy vọng qua bài viết này của IMTA đã giúp bạn hiểu rõ hơn về 5 Forces là gì và qua ví dụ về mô hình 5 áp lực cạnh tranh của Coca-Cola và Vinamilk, có thể thấy rằng dù là doanh nghiệp lớn hay nhỏ thì sẽ đều gặp các áp lực cạnh tranh và cần phải hiểu rõ về các áp lực trong mô hình này để có thể phát triển trong ngành.
Tham gia ngay Khóa học Digital Marketing tại IMTA để tìm hiểu cách ứng dụng mô hình 5 Forces vào trong chiến lược Marketing của doanh nghiệp, nắm vững các kiến thức nền tảng và biết cách thực hành xây dựng một chiến dịch Marketing hiệu quả cho doanh nghiệp của mình.