Cài đặt website WordPress trên máy tính dùng Localhost bằng phần mềm XAMPP với hướng dẫn chi tiết từ quá trình download WordPress, tạo user PhpMyAdmin, Database để được một website hoàn chỉnh mà bạn không cần phải mua hosting. Bạn yên tâm rằng, sau khi cài đặt webstie trên Localhost, bạn có thể chỉnh sửa hoàn tất sau đó mua hosting sau. Như vậy không những giúp bạn tiết kiệm chi phí mà việc làm trên máy tính của mình sẽ đơn giản hơn, tốc độ làm cũng nhanh hơn. Sau khi hoàn tất website trên máy tính bạn sẽ mua hosting và upload website sau.

Trong bài trước bạn đã được hướng dẫn cài đặt XAMPP và tạo host ảo trên máy tính (localhost) bằng phần mềm XAMPP, ở bài này mình sẽ hướng dẫn bạn cách tải về và cài đặt website WordPress trên đó. Có thể nói đây là phần quan trọng và khó hình dung nhất trong toàn Serie Học WordPress Cơ Bản này. Do đó bạn hãy thực hiện theo hướng dẫn thật cẩn thận nhé !

Tải về file cài đặt mã nguồn WordPress và lưu vào localhost

Bước 1: Để tải phiên bản mới nhất của WordPress, bạn truy cập đường dẫn: https://wordpress.org/download/ và chọn vào mục Download như hình bên dưới hoặc nhấn vào liên kết Download WordPress để tải trực tiếp nó về máy tính.

Tải về file cài đặt WordPress
Tải về file cài đặt WordPress

Bước 2: Giải nén tập tin wordpress-5.5.1.zip bạn vừa tải bằng cách nhấn chuột phải và chọn vào Extract Here như hình bên dưới. Kết quả bạn nhận được là thư mục có tên: wordpress.

Giải nén tập tin WordPress.zip
Giải nén tập tin WordPress.zip

Lưu ý: Tại thời điểm mình viết bài này (tháng 10/2020), thì file cài đặt nó tên như vậy, tuy nhiên ở thời điểm bạn đang xem có thể tên file cài đặt này không giống y như vậy, bởi khi phiên bản thay đổi (nâng cấp) thì tên file cũng khác đi, vì vậy bạn tải về file nào thì giải nén file đó nhé !

Bước 3: Đổi tên thư mục wordpress vừa được giải nén thành tên website/ blog mà bạn muốn tạo. Bạn muốn đặt tên gì cũng được, miễn là viết liền mạch (không có dấu cách), không có dấu Tiếng Việt, không nên có ký tự đặc biệt. Ví dụ đặt đúng sẽ là: webmau, blognauan, tintuc24h, hocnhac, magiamgia,… Tuy nhiên, để thống nhất và tiện theo dõi trong các bài tiếp theo, bạn hãy đặt tên website giống mình là demo như hình bên dưới.

Đổi tên thư mục
Đổi tên thư mục

Bước 4: Sao chép (copy) thư mục demo vừa đổi tên ở bước trên, đem bỏ vào thư mục htdocs trong XAMPP. Thư mục htdocs có đường dẫn là: C:xampphtdocs. Sau khi hoàn tất sẽ như hình bên dưới:

Thư mục được chuyển vào httdocs
Thư mục được chuyển vào httdocs

Bước này là bạn đang đưa file mã nguồn WordPress vào trong host ảo (localhost) để chủng bị cho cài đặt. Đến đây là đã xong công đoạn thứ nhất trong việc cài WordPress trên localhost rồi đấy.


Tạo tài khoản người dùng và cơ sở dữ liệu trong phpMyAdmin

Trong phần này mình sẽ nói về mục đích của việc tạo tài khoản người dùng (user) và cơ sở dữ liệu (database) để các bạn hình dung được nhiệm vụ của chúng trong vận hành một website WordPress. Tiếp theo đó là tuần tự các bước tạo user và database trong trang quản trị phpMyAdmin.

Mục đích của việc tạo user và database

Như mình có nói ở bài 01, WordPress là một Web CMS, nó tạo ra môi trường để người dùng (user) bên trong nó có thể tương tác với nhau cũng như tương tác với các tài nguyên thông tin ở đó. Các tài nguyên này có thể là: hình ảnh, video, âm thanh, văn bản,…

Mỗi một hành động tương tác của người dùng (user) như: thực hiện các thiết lập, chỉnh sửa, xóa, sao chép, di chuyển,.. một đối tượng nào đó sẽ được lưu lại, và cái nơi dùng để lưu lại các hành động này chính là cơ sở dữ liệu (database).

Tóm lại: mục đích của việc tạo user và database là nhằm để lưu lại những tác vụ mà bạn hoặc người dùng (user) khác sẽ làm với website WordPress kể từ lúc cài đặt cho đến khi vận hành và phát triển nó.

Còn phpMyAdmin thì nó đơn thuần là trang quản trị để bạn có thể tạo lập, quản lý một hay nhiều user và database.

Các bước tạo tài khoản người dùng (user) và cơ sở dữ liệu (MySQL Database) trong phpMyAdmin

Trước khi cài đặt bạn cần phải khởi động XAMPP lên, và start hết những dịch vụ của XAMPP (Apache & MySQL phải bật)

Khởi động XAMPP
Khởi động XAMPP

Bước 1: Bạn truy cập đường dẫn: http://localhost:8888/phpmyadmin/ trên trình duyệt (nên dùng Chrome) để mở trang quản trị phpMyAdmin.

Lưu ý nếu bạn không vào được đường link trên thì bạn cần đọc bài trước đó về Xampp của bên mình nhé (hướng dẫn cài đặt XAMPP), bạn cũng có thể vào thử đường link http://localhost/phpmyadmin/ (do đổi port).

Bước 2: Chuyển sang Tab Các tài khoản người dùng, lúc này sẽ như hình bên dưới.

Chuyển sang tab người dùng
Chuyển sang tab người dùng

Bước 3: Bạn nhấn vào mục Tạo tài khoản người dùng mới như hình bên dưới.

Nhấn tạo tài khoản người dùng mới
Nhấn tạo tài khoản người dùng mới

Bước 4: Điền các thông tin cần thiết để tạo tài khoản người dùng và cơ sở dữ liệu, thực hiện tuần tự theo hình bên dưới và chú thích:

  1. Mục tài khoản điền: “demouser”;
  2. Mục tên máy chọn: Nội bộ (cái này có nghĩa là localhost);
  3. Ở hai mục mật khẩu và gõ lại:  Bạn nhập vào 02 mật khẩu giống nhau, để cho dễ nhớ bạn hãy để mật khẩu là:  “123456”;
  4. Đánh dấu tick vào mục “Tạo cơ sở dữ liệu với cùng tên và cấp mọi đặc quyền“. Tức là tên user và tên database giống nhau.
Điền thông tin cho người dùng (user)
Điền thông tin cho người dùng (user)

Bước 5: Xác nhận thực hiện tạo tài khoản người dùng và cơ sở dữ liệu bằng cách cuộn trang xuống phía dưới cùng rồi nhấn nút Thực hiện. Nếu thành công nó sẽ có thông báo như hình bên dưới.

Thông báo tạo thành công tài khoản người dùng và cơ sở dữ liệu
Thông báo tạo thành công tài khoản người dùng và cơ sở dữ liệu

Như vậy là hoàn tất việc tạo tài khoản người dùng và cơ sở dữ liệu MySQL Database rồi đấy. Chuyển sang công đoạn tiếp theo thôi.


Tiến hành cài đặt WordPress vào localhost

Bạn cần ghi nhớ các thông tin đã tạo trước đó để sẵn sàng cài WordPress nhé, điền thông tin không chính xác là không cài được đâu. Dưới đây mình đã liệt kê lại cho bạn dễ nhớ:

  • Tên user: demouser
  • Tên database: demouser
  • Mật khẩu: 123456
  • Database host: localhost

Bước 1: Bạn nhập vào trình duyệt đường dẫn: http://localhost:8888/demo/wp-admin, lúc này trang cài đặt WordPress sẽ mở lên như hình bên dưới, bạn giữ nguyên ngôn ngữ là Tiếng Anh (United States) và nhấn vào Continue để tiếp tục.

Chọn ngôn ngữ hiển thị WordPress
Chọn ngôn ngữ hiển thị WordPress

Bước 2: Trong trang chào mừng đến với trình cài đặt WordPress, họ muốn lưu ý với bạn về việc chuẩn bị các thông tin về tên user, database, mật khẩu,.. như mình đã đưa ra ở trên rồi. Bạn có thể không cần đọc nội dung và hãy nhấn vào Let’s go! để tiếp tục.

Trang chào mừng của WordPress
Trang chào mừng của WordPress

Bước 3: Điền các thông tin mà trình cài đặt yêu cầu, bạn điền giống như mình đã điền sẵn trong hình bên dưới, sau khi xong thì nhấn vào Submit để xác nhận. 

Điền thông tin cài đặt WordPress
Điền thông tin cài đặt WordPress

Bước 4: Nếu bạn điền đúng thông tin ở bước 3 thì sẽ xuất hiện thông báo như bên dưới, hãy nhấn vào Run the Installation để tiến hành chạy cài đặt.

Nội dung của thông báo này là: Mọi thứ bạn thực hiện trước đó không có gì sai sót, bây giờ WordPress đã được kết nối với cơ sở dữ liệu của bạn.

Thông báo chạy cài đặt WordPress
Thông báo chạy cài đặt WordPress

Bước 5: Bạn điền các thông tin cho website WordPress như mình đã điền mẫu ở hình bên dưới và nhấn vào Install WordPress để cài đặt.

Thực ra bạn không cần điền giống y như mình, nhưng để thống nhất và tiện theo dõi thì bạn cứ điền như vậy nhé ! Đồng thời lưu ý cho mình các mục sau:

  • Site Title: Là tên website, bạn đặt tên gì cũng được, có dấu hay không dấu đều được hết, ví dụ: Học WordPress, Blog Nấu Ăn, Shop Đồ Chơi Trẻ Em,…
  • Username: Là tên tài khoản mà bạn sẽ dùng nó để đăng nhập website, hãy đặt bằng một chuỗi ký tự liền mạch và không dấu, ví dụ: nguyenvana, tranthib, levanc,.. 
  • Password: Mật khẩu bạn để đơn giản, dễ nhớ thôi, khi nào cài trên host thật thì hãy đặt mật khẩu khó. Như hình bên dưới mình để mật khẩu là “123456”;
  • Confirm Password: Vì bạn đặt mật khẩu quá đơn giản nên nó sẽ yêu cầu xác nhận mật khẩu yếu, hãy đánh dấu tick như hình.
  • Your Email: Nhập email của bạn vào, trên localhost thì bạn cứ nhập tùy ý một email nào đó, không cần chính xác, như bên dưới mình nhập là “nguyenvana@gmail.com”. Tuy nhiên, khi cài trên host thật hãy điền email đúng, trong trường hợp quên mật khẩu đăng nhập thì sẽ dùng email để lấy lại mật khẩu.
  • Search engine visibility: Mục này bạn hãy đánh dấu tick vào dù là cài web trên localhost hay host thật. Khi bạn đánh dấu tick thì có nghĩa là bạn muốn ngăn không cho các công cụ tìm kiếm index website. Vì bạn cũng là người mới nên mình không tiện giải thích sâu hơn, như vậy chỉ thêm rối mà thôi. Bạn chỉ cần biết tick vào mục đó là việc nên làm khi mới cài website WordPress, chúng ta sẽ bật nó lên lại khi website đã hoàn thiện.
Điền thông tin website
Điền thông tin website

Bước 6: Một trang thông báo hiện ra với nội dung là: “Đã cài đặt website WordPress thành công, bạn có thể trải nghiệm nó ngay bây giờ!”. Lúc này bạn hãy nhấn vào Log In để đăng nhập website nhé!

Cài đặt thành công WordPress
Cài đặt thành công WordPress

Bước 7: Điền thông tin để đăng nhập vào website WordPress vừa tạo. Nội dung bạn cứ điền như mình bên dưới nhé! Bạn cũng có thể đánh dấu tick vào mục Remember Me để ghi nhớ thông tin đăng nhập, trong các lần truy cập sau bạn không cần điền nữa.

Điền thông tin đăng nhập website
Điền thông tin đăng nhập website

Bước 7: Đăng nhập thành công, chúc mừng bạn! và đây là giao diện của trang quản trị website WordPress. Tạm thời để đó, bạn sẽ được học cách sử dụng trang quản trị này trong các bài tiếp theo.

Giao diện Dashboard WordPress
Giao diện Dashboard WordPress

Để vào trang chủ của website bạn có thể để chuột lên hình ngôi nhà góc trên bên trái màn hình và nhấn chữ “xem trang” hoặc có thể truy cập trực tiếp vào website của bạn bằng đường link: localhost:8888/demo


Những câu hỏi thường gặp

Sau đây là những thắc mắc thường gặp của các bạn mới bắt cài đặt WordPress trên Localhost

Dùng Localhost có ưu điểm gì hơn hosting?

Việc sử dụng localhost bạn không cần phải tốn chi phí mua hosting, tên miền trước khi làm website. Và việc làm website trên chính máy tính của bạn sẽ thuận tiện hơn trong việc copy dữ liệu, sửa hình ảnh và tốc độ làm việc cũng nhanh hơn sơ với làm trực tiếp trên hosting bởi vì bạn không ảnh hưởng bởi tốc độ internet.

Việc thiết kế website trên localhost bạn là người duy nhất có thể truy cập website của mình thông qua đường link localhost. Vì vậy không thể gửi link cho người khác được.

Làm sao chuyển website từ localhost lên hosting?

Sau khi hoàn tất website, việc chuyển website từ localhost lên hosting khá đơn giản. Bạn chỉ cần backup source coda và database sau đó mua gói hosting cùng tên miền để đưa website lên máy chủ, lúc này website đã kết nối internet và mọi người sẽ truy cập được website của bạn online.


TỔNG KẾT

Ở bài này chủ yếu thực hành thôi chứ không lý thuyết nhiều, bạn chỉ cần thực hiện theo tuần tự các bước hướng dẫn từ trên xuống dưới là cài được website WordPress. Nhiều bạn gặp lỗi ở bài này vì thường nhập sai thông tin, do đó cứ điền giống như trong các hình mình điền mẫu là được thôi, hẹn gặp lại bạn trong bài tiếp theo !

Trong bài viết này IMTA đã hướng dẫn bạn tạo website wordpress trên localhost. Bạn là người trái ngành bạn nên sử dụng website với mã người WordPress bởi vì tính thuận tiện cũng như chất lượng của CMS này đem lại, và CMS này đang chiếm thị phần rất cao trong thế giới website. Bạn hãy làm theo từng bước như trên, nếu có bất cứ vấn đề nào bạn không làm được cần hỗ trợ hãy để lại comment bên dưới.

Digital Marketing IMTA WordPressHướng Dẫn Cách Cài Đặt Website WordPress Trên Localhost Dùng XAMPP