Trong bài viết này IMTA sẽ giúp bạn hiểu được Hosting là gì? Bao gồm những loại nào và sau cùng là phần chia sẻ kinh nghiệm: “Có nên chọn hosting giá rẻ để làm website?“. Okey, chúng ta cùng đi vào phần nội dung chi tiết.

1. Hosting là gì?

Hosting hay web hosting là dịch vụ cung cấp một phần không gian lưu trữ và tài nguyên để lưu trữ website hay ứng dụng trên máy chủ của nhà cung cấp, khi đăng kí hosting bạn sẽ được phép đăng tải dữ liệu website của mình lên host để hoạt động trên internet.

Hosting là gì
Hosting là gì

2. Hosting hoạt động như thế nào?

Thay vì bạn lưu trữ website trên chính máy tính của mình thì phía nhà cung cấp dịch vụ sẽ cấu hình một server lưu trữ dữ liệu lớn được kết nối internet và hoạt động 24/7. Sau đó chia nhỏ không gian lưu trữ gọi là các hosting cho nhiều khách hàng thuê. Nhiệm vụ của máy chủ là lưu trữ và truyền dữ liệu, đảm bảo độ bảo mật, kết nối, hoạt động website của khách hàng,…

Khi bạn thuê hosting, phía nhà cung cấp sẽ cung cấp cho bạn một không gian lưu trữbăng thông tùy thuộc vào gói thuê. Bạn chỉ cần cung cấp thông tin tên miền và tải dữ liệu website của mình lên để hoạt động.

Khi người dùng truy cập vào website của bạn, yêu cầu sẽ gửi đến hosting và xử lý sau đó trả dữ liệu tương ứng về trình duyệt của người dùng.

Ví dụ cho bạn dễ hình dung, nhà cung cấp như người chủ trọ có khu đất lớn và xây thành những căn trọ nhỏ, khách hàng là người thuê trọ đến thuê để sinh sống.

3. Phân loại hosting

Dưới đây là 5 loại hosting sử dụng phổ biến nhất hiện nay:

3.1 Dedicated Server (Máy chủ vật lý)

Dedicated server (máy chủ chuyên dụng/ máy chủ vật lý) là máy chủ chạy trên một máy tính vật lý. Về cơ bản thì Dedicated server nó cũng có những thành phần cơ bản của máy tính thông thường như: RAM, CPU, HDD (hoặc SSD), Card mạng,…

Dedicated server (máy chủ vật lý)
Dedicated server (máy chủ vật lý)

Máy chủ hoạt động gần như liên tục trừ khi bảo trì, bảo dưỡng hoặc xảy ra sự cố thì mới tắt. Để đảm bảo cho máy chủ làm tốt nhiệm vụ thì nó cần phải được đặt ở nơi có nguồn điện ổn định, đường truyền Internet tốc độ cao, môi trường có nhiệt độ thấp. Chính vì thế, máy chủ thường được đặt tại các Datacenter (trung tâm dữ liệu) để có môi trường lý tưởng hoạt động.

Ứng dụng: Dedicated Server phù hợp để lưu trữ và vận hành những website lớn. Hoặc đáp ứng nhu cầu kinh doanh dịch vụ hosting. Các nhà cung cấp dịch vụ hosting sẽ cho thuê máy chủ vật lý, máy chủ ảo và cả shared hosting.

3.2 Cloud Server – Máy chủ đám mây

Máy chủ đám mây (Cloud Server) là mô hình máy chủ hiện đại, nó không phải là một máy chủ vật lý đơn thuần mà là cả một cơ sở hạ tầng bao gồm nhiều máy chủ vật lý với nhau. Hệ thống này hoạt động dựa trên nền công nghệ điện toán đám mây (Cloud Computing).

Cloud server (máy chủ đám mây)
Cloud server (máy chủ đám mây)

Ứng dụng: Cloud Server phù hợp để lưu trữ và vận hành những website lớn và rất lớn. Hoặc được sử dụng để phân chia tài nguyên và cung cấp dịch vụ tương tự như đối với Dedicated Server. Nhưng chắc chắn rằng giải pháp Cloud Server nó đắt giá hơn và ưu điểm cũng vượt trội hơn.

3.3 Virtual Private Server (VPS) – Máy chủ ảo

Máy chủ ảo (Virtual Private Server – VPS) là dạng máy chủ được tạo thành bằng việc sử dụng công nghệ ảo hóa để chia tách từ một máy chủ vật lý (Dedicated Server) thành nhiều máy chủ ảo khác nhau. Các máy chủ ảo có tính năng tương tự như một máy chủ vật lý, và khả năng (cấu hình) của chúng sẽ giới hạn bởi tài nguyên được chia sẻ từ máy chủ vật lý gốc.

Hình dung về VPS
Hình dung về VPS

Ứng dụng: Máy chủ ảo (VPS) thường được dùng để lưu trữ và vận hành các website vừa và nhỏ. Bạn cũng có thể thuê VPS có cấu hình mạnh, sau đó tạo nhiều gói dịch vụ shared hosting nhỏ từ máy ảo đó để cho thuê lại hoặc cho mục đích tạo nhiều website khác nhau trên cùng một VPS.

3.4 Shared Hosting – Hosting dùng chung

Shared hosting là tên gọi của một loại dịch vụ lưu trữ web. Nhà cung cấp dịch vụ Shared hosting sẽ chia nhỏ tài nguyên từ: Dedicated server hoặc VPS ra thành rất nhiều phần (thành từng gói dịch vụ) để cho thuê.

Ưu điểm: chi phí thấp, dễ sử dụng do được các nhà cung cấp cấu hình sẵn và chịu trách nhiệm quản lý vận hành.

Nhược điểm: ít quyền quản lý, có thể bị ảnh hưởng hiệu suất bới các website khác.

Hình dung về Shared hosting
Hình dung về Shared hosting

Ứng dụng: Shared hosting là dịch vụ lưu trữ web phổ biến nhất hiện nay, nó phù hợp với các website vừa và nhỏ. Trước đây, hầu hết dịch vụ shared hosting thường cung cấp với cấu hình thấp hoặc rất thấp. Tuy nhiên, hiện nay để đáp ứng nhu cầu của các doanh nghiệp thì cấu hình shared hosting cũng đã “mạnh ngang ngửa” với VPS.

3.5 Cloud Hosting – Hosting dùng công nghệ điện toán đám mây

Cloud Hosting là dịch vụ lưu trữ web tương tự như shared hosting. Điểm khác biệt là các gói dịch vụ cloud hosting được tạo thành từ việc chia tách tài nguyên của Cloud Server (máy chủ sử dụng công nghệ điện toán đám mây). Còn shared hosting là chia tách tài nguyên từ Dedicated Server hoặc VPS.

Cloud hosting - ảnh minh họa
Cloud hosting – ảnh minh họa

Ứng dụng: Cloud hosting phù hợp để lưu trữ các website vừa và nhỏ như đối với shared hosting. Với thế mạnh về công nghệ, hiện nay cloud hosting đang dần phổ biến và sẽ có xu hướng thay thế dần cho shared hosting – truyền thống.

3.6 Phân loại theo hệ điều hành

Windows hosting

Hiểu đơn giản, Windows hosting là dịch vụ lưu trữ web mà máy chủ chạy hệ điều hành Windows Sever. Các ứng dụng phổ biến được hỗ trợ trên Windows hosting là: ASP Email, ASP Upload, ASP Jpg, JMail, PHP & MySQL for Windows Server, FTP, HTTP File Manager,..

Linux hosting

Linux hosting là dịch vụ lưu trữ web mà máy chủ chạy hệ điều hành Linux. Các ứng dụng phổ biến được hỗ trợ rên máy chủ Linux hosting là: PHP, Perl, Python, MySQL, SSH, FTP, HTTP File Manager, POP3/SMTP/IMAP/Webmail,…

Ngoài ra còn một số tiêu chí phân loại cũng như nhiều loại hosting khác nữa. Tuy nhiên, ở Việt Nam chúng không thật sự phổ biến.

4. Các tiêu chí lựa chọn hosting cho website

Khi lựa chọn cho website có rất nhiều tiêu chí, sau đây IMTA sẽ liệt kê các tiêu chí mà bạn cần phải ưu tiên theo thứ tự để lựa chọn hosting chất lượng cho website của mình nhé.

4.1 Ổ cứng SSD và dung lượng

Nên chọn các nhà cung cấp hosting sử dụng ổ cứng SSD thay cho HDD để có tốc độ đọc dữ liệu nhanh hơn. Khi đã dùng SSD thì người ta còn quan tâm đến hãng SSD là hãng nào, hiện tại hãng NVME SSD là hãng nổi tiếng nhất trong việc cung cấp ổ cứng SSD cho máy chủ.

HDD và SSD
HDD và SSD

Bạn cũng phải tính toán dung lượng ổ cứng cho webiste của bạn như sau, đây là kinh nghiệm của mình thôi.

Dung lượng lưu trữ hosting = dung lượng website x 10 + dung lượng backup x 3.

Có nghĩa là bạn nên mua dư khoảng 10 lần dung lượng của website, vì website bạn còn upload hình ảnh, xây dựng content, thậm chí nhiều website còn để lưu trữ file cache.

Dung lượng backlink: Bạn nên có dung lượng lưu trữ 3 bản backup.

4.2 Băng thông không giới hạn

Băng thông (Bandwidth) là lượng dữ liệu có thể trao đổi dữ liệu khi người dùng sử dụng. Ví dụ mỗi lần 1 user vào website của bạn, tổng lưu lượng website phải tải là 3MB, giả sử 1000 người dùng/tháng thì băng thông là 3 x 1000 = 3000 (MB) ~ 3GB (tương đối)

Hiện tại rất nhiều nhà cung cấp hosting cho băng thông không giới hạn, bạn hãy ưu tiên chọn loại băng thông không giới hạn để không lo vấn đề website của bạn phải đứng vì lưu lượng truy cập quá nhiều.

Tuy nhiên với website mới thì rất ít người truy cập ngoại trừ bạn chạy quảng cáo Google Ads thì dùng nhiều băng thông, do đó các nhà cung cấp cho bạn dùng băng thông không giới hạn cũng là điều dễ hiểu.

4.3 Công nghệ đám mây Cloud

Cloud là công nghệ mà nhà cung cấp sẽ nối nhiều máy chủ với nhau để chạy, giả sử khi có sự cố trên 1 server thì các server còn lại vẫn chạy bình thường.

Do đó các hosting lưu trữ bằng công nghệ cloud có thời gian uptime rất cao. Tuy nhiên cũng có khi bị lỗi bởi vì 1 số nhà cung cấp nâng cấp phần mềm gặp tình trạng lỗi làm cho các server đồng loạt mất kết nối hoặc tắt 1 lượt. Nhưng rất hiếm khi xảy ra.

4.4 Số lượng Cores của CPU

CPU giúp quá trình chạy các tính toán nhanh hơn, bao gồm truy xuất dữ liệu, các đoạn code xử lý tốt hơn. Website mới bạn có thể dùng gói 1 core, tuy nhiên với những website tính toán và xử lý nhiều như các website thương mại điện tử có giỏ hàng thì nên dùng từ 2 cores trở lên. Sẽ giúp bạn xử lý đơn hàng nhanh hơn.

Ví dụ khi bạn dùng giao diện bán hàng website WordPress dùng giao diện Flatsome thì nên dùng 2 cores trở lên. Vì những website dùng WordPress có cài đặt thêm plugin Woocommerce thì cần xử lý nhiều hơn.

Ram va CPU
Ram và CPU

4.5 Dung lượng Ram

Ram là bộ nhớ đệm giúp cho quá trình chạy đa nhiệm, nếu website không cần xử lý nhiều về tính toán, mà chỉ cần nhiều lượt truy cập (traffic) thì bạn nên dùng Ram nhiều, vì khi Ram nhiều giúp cho website của bạn chạy nhanh hơn.

Ngoài ra Ram còn có chức năng Cache mà công nghệ cache sẽ tận dụng vào bộ nhớ Ram để tăng tốc website của bạn.

4.6 Trình quản lý hosting cPanel

cPanel là trình quản lý hosting giúp bạn quản lý các file, tạo SQL, cài đặt tên miền, thêm các addon tên miền nhanh chóng hơn. Có thể nói cPanel là phần mềm quản lý máy chủ nổi tiếng nhất hiện nay.

Bởi tính dễ sử dụng, thuận lợi các cài đặt cơ bản cho dân không chuyên. So với Direct Admin thì cPanel có nhiều tính năng và cũng dễ sử dụng hơn. Do đó bản quyền cPanel cũng có giá cao hơn so với Direct Admin.

4.7 Máy chủ Litespeed Server

Litespeed Server là máy chủ có tốc độ nhanh nhất hiện nay so với các máy chủ như Nginx hay Apache. Ngoài ra khi dùng máy chủ LiteSpeed thì bạn cũng có thể dùng plugin LS cache để tăng tốc website WordPress

Lưu ý: nên có bản backup để không dẫn đến tình trạng website bị mất dữ liệu.

5. Có nên mua hosting giá rẻ hay không?

5.1 Khi nào có thể mua hosting giá rẻ?

Dịch vụ hosting giá rẻ hướng đến người dùng có thu nhập thấp hoặc học sinh, sinh viên. Với các gói dịch vụ shared hosting giá rẻ, bạn vẫn tạo lập và vận hành một website như thường. Nó sẽ bị giới hạn về cấu hình hosting (RAM, CPU, bộ nhớ lưu trữ – SSD) và băng thông. Song hosting giá rẻ vẫn đủ đáp ứng nhu cầu trong các trường hợp như bên dưới:

  • Bạn cần tạo một blog để viết lách, lưu trữ cá nhân và chia sẻ cho bạn bè, người thân đọc;
  • Bạn tạo một website nhỏ giới thiệu sản phẩm dịch vụ của gia đình, cơ quan, hay một tổ chức cộng đồng;
  • Bạn là học sinh, sinh viên và bạn đang cần hosting để thực hành tạo lập và quản trị website chẳng hạn.

5.2 Khi nào không nên mua hosting giá rẻ?

Khi nhu cầu của bạn đủ lớn và hosting giá rẻ không thể đáp ứng tốt thì bạn không nên mua. Dưới đây là một số nhu cầu “đủ lớn” để bạn tham khảo:

  • Bạn cần làm website để bán hàng online (bằng WordPress chẳng hạn). Tất nhiên hosting giá rẻ cũng chạy được nhưng nó rất yếu, trong khi web bán hàng nó nhiều tính năng và “nặng nề” hơn dạng web giới thiệu sản phẩm thông thường.
  • Website cho công ty, tổ chức cộng đồng, blog, website tin tức,…với định hướng có nhiều người truy cập. Vì hosting giá rẻ chỉ trang bị cấu hình yếu và giới hạn nhiều thứ nên website của bạn sẽ không thể hoạt động được khi lượng truy cập cao.
  • Bạn muốn kinh doanh online và cần làm một website hoặc landing page để chạy quảng cáo (Google Ads, Facebook Ads,..). Nếu chọn hosting giá rẻ thì chắc chắn không hiệu quả. Bởi lẽ, khi khách hàng nhấp vào quảng cáo (bạn bị trừ tiền) nhưng mở trang quảng cáo lên thì web chạy không nổi >> thế là khách hàng thoát trang >> và bạn mất tiền cho quảng cáo mà không được gì.

6. Những câu hỏi thường gặp

Sau đây là những câu hỏi thường gặp mà những người mới hay thắc mắc nhất khi lựa chọn hosting cho website của mình

7. Lời kết

Sau khi đã mua hosting thì bạn trỏ tên miền (domain) về địa chỉ hosting và bắt đầu chạy website của mình được rồi. Nếu hosting bạn đang dùng là cPanel thì bạn có thể đọc hướng dẫn này Hướng Dẫn Cách Cài Đặt Website WordPress Lên Hosting cPanel

Cuối cùng, nếu bạn có điều gì thắc mắc hoặc đóng góp ý kiến thì cứ mạnh dạn để lại bình luận bên dưới. IMTA sẽ sớm phản hồi bạn, xin chào và hẹn gặp lại bạn ở những bài viết sau tại imta.edu.vn.

Digital Marketing IMTA WordPressHosting là gì? Kinh nghiệm lựa chọn Web hosting theo các tiêu chí chuẩn