Bạn có website bán hàng hay về thương mại điện tử mà chưa biết phải đăng ký website với Bộ Công Thương như nào? Đây được xem như là việc bắt buộc theo quy định pháp luật, nhất là khi bạn vừa dựng xong website và muốn “bung” ra để kinh doanh online luôn. Thường thì các cá nhân, doanh nghiệp sẽ làm ngay sau khi web mở index lên Google để tránh rắc rối. Nếu bạn không thông báo hay đăng ký với Bộ Công Thương, phạt dao động từ 10-30 triệu đồng, nặng hơn thì bị đình chỉ hoạt động 6-12 tháng, chưa kể bao nhiêu hệ lụy khác kéo theo. Trong bài này, IMTA sẽ hướng dẫn bạn chi tiết từ A-Z quy trình đăng ký website với Bộ Công Thương!

Những nội dung chính trong bài:

  • Tại sao bạn phải đăng ký website với Bộ Công Thương?
  • Những điều bạn cần biết khi đăng ký website với Bộ Công Thương
  • Không đăng ký website với Bộ Công Thương sẽ bị xử phạt bao nhiêu?
  • Mất bao lâu để đăng ký website với Bộ Công Thương
  • Chuẩn bị khi thông báo, đăng ký website với Bộ Công Thương
  • Những lưu ý khi đăng ký website với Bộ Công Thương
  • Tổng hợp những câu hỏi về việc đăng ký website với Bộ Công Thương

Tại sao bạn phải đăng ký website với Bộ Công Thương?

Việc bạn đăng ký website với Bộ Công Thương không chỉ là một thủ tục hành chính mà còn mang lại nhiều lợi ích thiết thực cho doanh nghiệp và cá nhân kinh doanh online tại Việt Nam.

  • Tuân thủ theo quy định pháp luật: Trước hết, đây là yêu cầu bắt buộc được quy định trong Nghị định số 52/2013/NĐ-CP về thương mại điện tử và Thông tư số 47/2014/TT-BCT tại Việt Nam, mục tiêu là nhằm đảm bảo tính minh bạch và hợp pháp trong hoạt động kinh doanh online, để bảo vệ người dùng cũng như chủ doanh nghiệp. Nếu không thực hiện theo đúng yêu cầu, bạn có thể bị phạt với mức phạt từ 10 đến 30 triệu đồng hoặc thậm chí bị đình chỉ hoạt động website theo Nghị định 185/2013/NĐ-CP, gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến uy tín và doanh thu của bạn.
  • Giúp tăng độ uy tín: Bên cạnh việc tuân thủ pháp luật, đăng ký website còn giúp nâng cao độ tin cậy trong mắt khách hàng. Ví dụ khi website của bạn được gắn logo “Đã đăng ký” hoặc “Đã thông báo” từ Bộ Công Thương, người tiêu dùng sẽ cảm thấy an tâm hơn khi vào website bạn, sử dụng sản phẩm hay dịch vụ từ bạn, đặc biệt trong bối cảnh các website lừa đảo ngày càng nhiều và fake hiện nay.
  • Khẳng định hình ảnh thương hiệu: Khi đăng ký website với Bộ Công Thương không chỉ giúp người xem khi họ vào website bạn cảm thấy thương hiệu uy tín, giúp củng cố lòng tin mà còn giúp khẳng định thương hiệu chuyên nghiệp hơn, tạo lợi thế cạnh tranh so với các đối thủ chưa thực hiện đăng ký với Bộ Công Thương. Hơn nữa, việc bạn đăng ký còn là điều kiện cần để có thể tích hợp các cổng thanh toán trực tuyến khi cần thiết, hoặc khi bạn hợp tác với các đối tác lớn, mở rộng kinh doanh,… thì họ sẽ chọn những đơn vị có uy tín, xác thực, hơn là những website/doanh nghiệp không rõ ràng.

Tuy nhiên cũng có nhiều trường hợp làm giả logo “Đã thông báo/đăng ký với Bộ Công Thương” đặt trên website, dù chưa đăng ký.

Nhưng nếu mà bạn đã thật sự đăng ký rồi thì ngoài logo này, sau khi đăng ký, website bạn sẽ được cung cấp một đường dẫn đến website của Bộ Công Thương chứa thông tin chi tiết về doanh nghiệp bạn, hoặc cá nhân đã đăng ký, vì khi đăng ký website với Bộ Công Thương thì doanh nghiệp phải nộp giấy phép kinh doanh (đối với công ty), còn nếu cá nhân thì nộp Căn cước Công Dân.

Vì vậy đối với những website giả mạo chỉ có thể fake được logo, nhưng hoàn toàn không có đường dẫn này đến website Bộ Công Thương để xác thực.

Những Website nào thì cần đăng ký với Bộ Công Thương?

Theo quy định pháp luật Việt Nam tại Nghị định 52/2013/NĐ-CP và Thông tư 47/2014/TT-BCT, không phải mọi website đều cần đăng ký với Bộ Công Thương, mà chỉ những loại hình website cụ thể thuộc lĩnh vực ví dụ như thương mại điện tử mới thuộc diện này thôi.

Website cần thông báo với Bộ Công Thương

Đây là các website thương mại điện tử bán hàng, do thương nhân, tổ chức, hoặc cá nhân tự thiết lập nhằm phục vụ hoạt động kinh doanh của chính mình. Cụ thể bao gồm:

  • Website về thương mại điện tử bán hàng: Là các trang website từ thương nhân hoặc các doanh nghiệp/tổ chức nhỏ-lớn, bán dịch vụ/sản phẩm, hoặc cho phép đặt hàng trực tuyến. Ví dụ: Website của doanh nghiệp bán quần áo, đồ gia dụng hoặc dịch vụ tư vấn.
  • Website xúc tiến thương mại: Dù không có chức năng thanh toán trực tuyến, nếu website trưng bày hình ảnh, thông tin sản phẩm/dịch vụ để quảng bá (như giới thiệu công ty, cũng cấp thông tin, hình ảnh,…), vẫn được xem là website thương mại điện tử bán hàng theo Mục 8, Điều 3, Nghị định 52/2013/NĐ-CP.
  • Ứng dụng di động bán hàng: Các ứng dụng trên thiết bị di động (như app bán hàng của doanh nghiệp) phục vụ cho việc quảng bá, bán hàng hoặc cung ứng dịch vụ cũng cần phải thông báo..

Website cần đăng ký với Bộ Công Thương

Đây là các website cung cấp dịch vụ thương mại điện tử, được thiết lập để tạo môi trường cho các bên thứ ba hoạt động kinh doanh mua bán, bao gồm:

  • Sàn giao dịch thương mại điện tử: Là những nền tảng cho phép người tạo tài khảon đăng tin bán hàng, hay tạo gian hàng online hoặc mua bán hàng hóa/dịch vụ, như Shopee, Lazada, Chợ Tốt,… Chủ sở hữu website đóng vai trò trung gian và thường thu phí dịch vụ.
  • Website đấu giá trực tuyến: Website này thường cung cấp giải pháp để các tổ chức, cá nhân tổ chức đấu giá hàng hóa trên nền tảng, ví dụ như các trang đấu giá nội địa hoặc quốc tế như eBay.
  • Website khuyến mại trực tuyến: Là các website được thiết lập để thực hiện chương trình khuyến mại, hoặc cũng có thể tổ chức đấu giá cho hàng hóa/dịch vụ của bên thứ ba theo hợp đồng, như Hotdeal, Sendo Deals,…
  • Ứng dụng di động cung cấp dịch vụ thương mại điện tử: Bao gồm các ứng dụng sàn giao dịch, đấu giá hoặc khuyến mại trực tuyến, hoạt động tương tự các website trên nhưng trên nền tảng di động, như app Shopee, Lazada,…

Điểm khác biệt chính giữa 2 loại web này là website bán hàng (chỉ phục vụ chính chủ sở hữu) thì thông báo, còn website cung cấp dịch vụ (tạo môi trường cho bên thứ ba) thì đăng ký.

Những điều bạn cần biết khi đăng ký website với Bộ Công Thương

TTrước khi tiến hành đăng ký với Bộ Công Thương bạn nên chú ý các điều sau:

Ai cần làm thủ tục này?

Đầu tiên, bạn cần biết website của mình thuộc loại nào để làm đúng. Nếu là website bán hàng của chính bạn, như bán đồ ăn, quần áo, hay dịch vụ tư vấn, thì chỉ cần thông báo. Đây là việc dành cho cá nhân, doanh nghiệp tự dựng web để quảng bá, bán sản phẩm của mình.

Còn nếu website của bạn là sàn giao dịch (kiểu sàn tiền ảo, sàn chứng khoán, Shopee, Lazada), đấu giá trực tuyến, hay khuyến mại online cho người khác, thì phải đăng ký. Loại này thường dành cho tổ chức, doanh nghiệp lớn, cung cấp nền tảng để người khác mua bán, giao dịch. Bạn nên chú ý vì chọn sai là hồ sơ bị trả về ngay, mất công lắm!

Làm khi nào thì hợp lý?

Với website bán hàng, bạn nên thông báo ngay sau khi web hoàn thiện, trước khi chính thức chạy quảng cáo hay bán hàng.

Còn website cung cấp dịch vụ, tốt nhất đăng ký trước khi cho phép giao dịch, vì nếu để Bộ Công Thương phát hiện mà chưa đăng ký, thì phạt khá cao lắm! Theo Nghị định 52/2013/NĐ-CP, nếu chậm trễ trong quy định có thể khiến bạn bị phạt từ 10-30 triệu đồng, thậm chí đình chỉ website 6-12 tháng.

Tốn bao nhiêu tiền?

Cả thông báo lẫn đăng ký đều miễn phí hoàn toàn! Bạn không mất đồng nào khi làm thủ tục trên cổng online.gov.vn.

Chỉ cần bỏ chút thời gian chuẩn bị hồ sơ chuẩn chỉ là xong. Tuy nhiên, nếu thuê dịch vụ bên ngoài, họ có thể tính phí, được cái tiết kiệm thời gian hơn, nhưng tự làm thì tiết kiệm hơn nhiều.

Làm ở đâu, thế nào?

Bạn có thể làm online 100% qua www.online.gov.vn. Bạn tạo tài khoản, điền thông tin website, nộp giấy tờ scan (như giấy phép kinh doanh, CMND/CCCD), rồi chờ duyệt trong 3-5 ngày làm việc.

Đăng ký: Phức tạp hơn chút. Ngoài việc nộp hồ sơ online, bạn phải gửi thêm bản giấy đến Cục Thương mại Điện tử và Kinh tế số ở 25 Ngô Quyền, Hoàn Kiếm, Hà Nội. Hồ sơ cần có quy chế hoạt động, chính sách bảo mật, và giấy tờ pháp lý đầy đủ. Thời gian duyệt thường 7-10 ngày, nhưng nếu thiếu gì, có thể kéo dài hơn.

Giấy tờ cần chuẩn bị gì?

Trước khi bắt đầu, bạn nên sẵn sàng:

  • Cá nhân: CMND/CCCD, mã số thuế (nếu có).
  • Doanh nghiệp: Giấy phép đăng ký kinh doanh, mã số thuế, thông tin người đại diện.
  • Website: Domain, thông tin hosting, chính sách bảo mật, đổi trả, giao hàng, thanh toán (đặt sẵn trên web).
  • Nếu là đăng ký sàn giao dịch, bạn cần thêm quy chế hoạt động chi tiết, vì Bộ kiểm tra kỹ lắm. Mẹo nhỏ: Scan giấy tờ rõ nét, lưu file PDF để nộp cho tiện.

Sau khi làm xong thì sao?

Khi được duyệt, bạn nhận logo xác nhận: màu xanh cho thông báo, màu đỏ cho đăng ký. Gắn logo này lên website, kèm link dẫn về trang xác minh của Bộ, vừa giúp tăng uy tín. Khách hàng thấy logo là yên tâm khi lướt hay tìm website của bạn hơn!

Nhưng bạn nên chú ý mỗi năm trước ngày 15/1, bạn cần báo cáo hoạt động website qua online.gov.vn, không thì lại bị nhắc nhở đấy.

Không đăng ký website với Bộ Công Thương sẽ bị xử phạt bao nhiêu?

Hiện nay, ngày càng có nhiều website fake, lừa đảo,…, vì vậy việc bạn đăng ký website với Bộ Công Thương vừa giúp bản vệ người dùng khỏi giả giả hay lừa tiền, mà cũng giúp website bạn tránh bị làm giả, ảnh hưởng đến thương hiệu hay doanh thu,..

Vì vậy nếu không đăng ký hoặc thông báo website với Bộ Công Thương theo quy định tại Nghị định 52/2013/NĐ-CP, bạn có thể đối mặt với các mức phạt hành chính khá cao. Cụ thể, theo Nghị định 98/2020/NĐ-CP (sửa đổi bởi Nghị định 17/2022/NĐ-CP), mức phạt áp dụng như sau:

  • Đối với website bán hàng không thông báo: Phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng nếu không thực hiện thông báo trước khi hoạt động thương mại điện tử.
  • Đối với website cung cấp dịch vụ thương mại điện tử không đăng ký: Phạt từ 20.000.000 đồng đến 30.000.000 đồng nếu không đăng ký với cơ quan quản lý, ví dụ như sàn giao dịch, đấu giá trực tuyến, hoặc khuyến mại trực tuyến.
  • Đối với tổ chức vi phạm: Mức phạt có thể gấp đôi, lên đến 60.000.000 đồng, tùy theo tính chất vi phạm.

Ngoài phạt tiền, bạn còn có thể bị đình chỉ hoạt động website từ 6 đến 12 tháng nếu tái phạm hoặc vi phạm nhiều lần, thậm chí bị thu hồi tên miền “.vn” theo Nghị định 185/2013/NĐ-CP. Điều này không chỉ gây ảnh hưởng đến tài chính mà còn ảnh hưởng nghiêm trọng đến uy tín và hoạt động kinh doanh của bạn. Vì vậy, nếu chưa thực hiện thì bạn nên đăng ký để tránh rủi ro pháp lý.

Mất bao lâu để đăng ký website với Bộ Công Thương

Thực ra, thời gian nhanh hay chậm tùy thuộc vào loại website bạn làm và cách bạn chuẩn bị hồ sơ! Nếu là website bán hàng chỉ cần thông báo, thì thường mất khoảng 3-5 ngày làm việc thôi. Bạn nộp hồ sơ online qua online.gov.vn, chờ Bộ duyệt, nếu giấy tờ đầy đủ, hợp lệ là xong ngay.

Thời gian đăng ký website với Bộ Công Thương
Thời gian đăng ký website với Bộ Công Thương

Còn nếu website của bạn thuộc loại cung cấp dịch vụ thương mại điện tử (như sàn giao dịch, đấu giá, khuyến mại), phải đăng ký thì lâu hơn chút, khoảng 7-10 ngày làm việc, tương đương hơn 2 tuần thì sẽ đăng ký thành công.

Sau khi nộp hồ sơ trực tuyến, bạn còn phải gửi bản giấy đến Cục Thương mại Điện tử ở 25 Ngô Quyền, Hà Nội, nên thời gian có thể kéo dài thêm vài ngày tùy vận chuyển.

Tuy nhiên, số thời gian này chỉ đúng khi bạn thực hiện chính xác các bước, cung cấp các thông tin đúng và website của bạn phải chuẩn chỉ các thông tin. Nếu hồ sơ thiếu hoặc sai, phải bổ sung thì có khi kéo dài tới 2-3 tuần. Kinh nghiệm của mình là bạn nên chuẩn bị kỹ giấy phép kinh doanh, mã số thuế, quy chế hoạt động trước khi nộp, sẽ tiết kiệm thời gian hơn.

Chuẩn bị khi thông báo, đăng ký website với Bộ Công Thương

Để chuẩn bị đăng ký với Bộ Công Thương, bạn có thể tham khảo chi tiết các bước hướng dẫn sau đây nhé:

Bước 1: Đăng ký tài khoản trên cổng online.gov.vn

Đầu tiên, bạn mở trình duyệt, gõ www.online.gov.vn rồi vào trang chủ. Nhìn góc trên bên phải, thấy nút “Đăng nhập” như trên hình. Nếu bạn chưa có tài khoản thì có thể tạo tài khoản mới để có thể đăng ký, thông báo website với Bộ Công Thương nhé!

vào trang chủ Bộ Công Thương và chọn "Đăng nhập"
vào trang chủ Bộ Công Thương và chọn “Đăng nhập”

Ở đây, hệ thống sẽ hỏi bạn là cá nhân, doanh nghiệp hay tổ chức – bạn chú ý chọn đúng loại nhé, vì chọn sai là sẽ bị trả hồ sơ liền, vì vậy bạn đọc kỹ chút cho chắc.

Chọn đúng loại hình Doanh nghiệp phù hợp
Chọn đúng loại hình Doanh nghiệp phù hợp

Sau khi đã đăng ký tài khoản xong, tiếp theo điền hết thông tin:

  • Cá nhân: Mã số thuế (nếu có), họ tên, số CMND/CCCD, email, số điện thoại.
  • Doanh nghiệp/tổ chức: Mã số thuế, tên công ty, thông tin người đại diện.
  • Những ô có dấu sao (*) là bắt buộc, không được bỏ qua đâu.

Điền xong, bạn nên kiểm tra lại rồi bấm “Đăng ký” như trên hình. Trong vòng 3 ngày sau, Bộ Công Thương sẽ gửi email phản hồi.

Nếu hồ sơ ổn, bạn sẽ được cấp tài khoản đăng nhập. Nếu thiếu gì, họ sẽ yêu cầu bạn bổ sung thêm để xác thực hoặc làm lại từ đầu. nếu bạn bị chậm nhận email quá thì gọi hotline 04.22205512, đọc mã số thuế để hỏi cho lẹ.

Đăng ký tài khoản với Bộ Công Thương
Đăng ký tài khoản với Bộ Công Thương

Bước 2: Đăng nhập và bắt đầu khai báo website

Khi bạn đã có tài khoản rồi, bạn quay lại online.gov.vn, đăng nhập bằng tên đăng nhập (thường là mã số thuế) và mật khẩu vừa được cấp. Giao diện hiện ra, bạn sẽ thấy mấy mục để chọn:

  • Thông báo website: Dành cho website bán hàng, quảng bá sản phẩm/dịch vụ của chính bạn, như web bán quần áo, đồ gia dụng.
  • Đăng ký website: Cho website cung cấp dịch vụ thương mại điện tử, kiểu sàn giao dịch (TikTok Shop và Shopee), đấu giá trực tuyến, hoặc khuyến mại.
  • Đăng ký đánh giá tín nhiệm: Nếu bạn làm dịch vụ đánh giá uy tín cho website khác (ít gặp hơn).

Bạn chọn đúng mục theo loại website của bạn, đừng nhầm kẻo mất công làm lại. Sau đó, điền thông tin chi tiết về website:

  • Tên website: Ví dụ “Tên Shop của bạn”.
  • Thông tin chủ sở hữu: Tên cá nhân/doanh nghiệp, mã số thuế, địa chỉ.
  • Sản phẩm/dịch vụ: Mô tả bạn bán gì (quần áo, đồ ăn, dịch vụ tư vấn…).
  • Giá cả: Ghi rõ cách định giá hoặc khoảng giá (nếu có).
  • Điều kiện giao dịch: Chính sách đổi trả, bảo hành ra sao.
  • Phương thức giao hàng: Giao qua bưu điện, ship COD, hay đơn vị nào.
  • Phương thức thanh toán: Chuyển khoản, ví điện tử, trả sau…
  • Tên miền chính (như www.example.vn) và cả tên miền phụ (nếu có). Đừng quên ghi tên công ty cung cấp hosting (như Viettel, FPT, Mătbao,…). Điền xong, kiểm tra kỹ trước khi sang bước tiếp theo.

Bước 3: Tải lên giấy tờ cần thiết

Đến phần “File đính kèm”, bạn cần chuẩn bị mấy giấy tờ quan trọng, scan rõ nét nha để không bị lỗi:

  • Doanh nghiệp: Bản scan giấy phép đăng ký kinh doanh.
  • Cá nhân: Bản scan CMND/CCCD (mặt trước và sau).
  • Tổ chức: Bản scan quyết định thành lập hoặc giấy tờ pháp lý tương đương.

Nếu website có quy chế hoạt động riêng (như sàn giao dịch), bạn cần tải thêm bản quy chế này.

Bấm nút “Chọn file”, tìm file scan trên máy, rồi nhấn “Upload file”. Hệ thống sẽ báo khi file tải lên thành công. Sau đó, bạn kiểm tra lại toàn bộ thông tin một lần nữa, rồi bấm “Gửi hồ sơ” để nộp.

Lưu ý: File scan phải rõ chữ, không mờ, và dưới định dạng PDF hoặc hình ảnh (JPG, PNG) nhé.

Bước 4: Chờ duyệt hồ sơ

Sau khi gửi, hồ sơ của bạn sẽ chuyển sang trạng thái “Chờ duyệt”. Trong vòng 3 ngày hoặc hơn, Bộ Công Thương sẽ xem xét và gửi email phản hồi. Sẽ có những trường hợp:

  • Duyệt thành công: Bạn nhận email kèm logo xác nhận (màu xanh cho thông báo, màu đỏ cho đăng ký) và link dẫn về trang xác minh của Bộ.
  • Yêu cầu bổ sung: Nếu thiếu giấy tờ hoặc thông tin chưa đúng, họ sẽ hướng dẫn bạn chỉnh sửa và nộp lại.
  • Từ chối: Thường là do sai loại đăng ký (như chọn “đăng ký” thay vì “thông báo”). Lúc này, bạn phải làm lại từ đầu.

Nếu quá 3 ngày mà chưa thấy email, bạn gọi lại số 04.22205512 để hỏi, nhớ đọc mã số thuế hoặc tên website để họ tra cứu nhanh hơn. Tuy nhiên trước khi gọi bạn nên check cả mục spam trong email, đôi khi mail bị lạc vào đó đấy!

Bước 5: Gắn logo xác nhận lên website

Khi hồ sơ được duyệt, bạn sẽ nhận logo và link từ Bộ Công Thương. Việc cuối cùng là bạn gắn cái logo này lên website của bạn, thường ở chân trang (footer) hoặc mục “Về chúng tôi”. Logo này không chỉ chứng minh website hợp pháp mà còn tăng độ tin cậy với khách hàng của bạn nữa. Bạn có thể nhờ bên kỹ thuật code gắn giúp, chỉ mất vài phút thôi. Nếu tự làm, cứ copy code HTML từ email của Bộ rồi dán vào website là xong.

Chung quy lại, khi đăng ký, bạn nên lưu ý để tránh sai sót:

  • Chuẩn bị giấy tờ scan sẵn trước khi bắt đầu, đỡ mất thời gian chạy qua chạy lại.
  • Đọc kỹ hướng dẫn trên online.gov.vn, vì đôi khi họ cập nhật yêu cầu mới.
  • Nếu website của bạn là sàn giao dịch, nhớ soạn thêm quy chế hoạt động chi tiết, vì Bộ kiểm tra kỹ lắm.
  • Sau khi gắn logo, kiểm tra xem link có dẫn đúng về trang xác minh của Bộ không, để tránh lỗi kỹ thuật.

Làm đúng các bước này, website của bạn sẽ “chuẩn chỉnh” ngay, không lo bị phạt mà còn tạo ấn tượng chuyên nghiệp với khách hàng. Chốt sớm để yên tâm kinh doanh trong năm 2025 nhé!

Những lưu ý khi đăng ký website với Bộ Công Thương

Trước khi bạn thực hiện các bước đăng ký website mình với Bộ Công Thương, bạn nên chú ý và là rõ một số điều sau để tránh tốn thời gian và công sức nhé!

  • Xác định rõ website thuộc loại nào: Đầu tiên bạn phải biết website của mình cần thông báo hay đăng ký. Website bán hàng, quảng bá sản phẩm/dịch vụ của chính bạn (như shop thời trang, đồ ăn) thì chỉ cần thông báo qua online.gov.vn. Còn nếu là sàn giao dịch (kiểu Shopee, Lazada, Sendo, Chợ Tốt,…), thì phải đăng ký, phức tạp hơn. Chọn sai loại là hồ sơ bị trả ngay hoặc không bị duyệt, mất thời gian lắm! Vì vậy bạn nên xác định rõ website mình, nếu chưa chắc chắn có thể tham khảo hay hỏi những người có kinh nghiệm hay chuyên gia để chắc chắn.
  • Chuẩn bị giấy tờ đầy đủ, scan rõ nét: Hồ sơ là phần dễ “toang” nhất nếu bạn không để ý thì sẽ bị trả hồ sơ hoặc không phê duyệt. Bạn cần:
    • Cá nhân: CMND/CCCD, mã số thuế (nếu có).
    • Doanh nghiệp: Giấy phép kinh doanh, thông tin người đại diện.
    • Tổ chức: Quyết định thành lập hoặc giấy tờ pháp lý tương đương. Nếu là đăng ký sàn giao dịch, thêm quy chế hoạt động và chính sách bảo mật. Scan giấy tờ phải rõ chữ, lưu file PDF hoặc JPG, dung lượng nhẹ thôi.
  • Điền thông tin chính xác, đặc biệt là email: Khi tạo tài khoản hay điền hồ sơ, bạn phải dùng email chính mà bạn thường xuyên check, vì Bộ Công Thương gửi phản hồi qua đó. Sai email hoặc không để ý mail trôi vào mục Spam,.. là dễ bỏ lỡ thông báo bổ sung, dẫn đến hồ sơ bị hủy. Các mục có dấu (*) như tên miền, thông tin liên hệ, hosting đều bắt buộc, điền thiếu là không nộp được. Với website, bạn cần khai rõ tên miền chính và phụ (nếu có), đừng sót kẻo bị yêu cầu chỉnh.
  • Website phải có nội dung đầy đủ trước khi nộp: Bộ Công Thương kiểm tra website của bạn trước khi duyệt, nên wesite bạn phải có sẵn:
    • Thông tin doanh nghiệp (tên, địa chỉ, mã số thuế, số điện thoại).
    • Chính sách đổi trả, bảo hành, giao hàng, thanh toán,…
    • Quy chế hoạt động (đặc biệt với sàn giao dịch). Nếu web trống hoặc thiếu mấy mục này, hồ sơ sẽ bị từ chối ngay. Mình khuyên bạn kiểm tra kỹ footer và trang “Giới thiệu” trước khi nộp, đảm bảo đầy đủ thông tin pháp lý.
  • Chú ý thời gian xử lý và theo dõi hồ sơ: Thông báo thường mất 3-5 ngày làm việc, còn đăng ký thì 7-10 ngày, có khi lâu hơn nếu nộp bản giấy ở 25 Ngô Quyền, Hà Nội. Sau khi gửi hồ sơ qua online.gov.vn, bạn nên check email thường xuyên hoặc đăng nhập tài khoản để xem trạng thái. Nếu quá 3 ngày không thấy phản hồi, bạn có thể gọi hotline 04.22205512, đọc mã số thuế để hỏi. Đừng để hồ sơ “trôi” quá 30 ngày mà không bổ sung, không là bạn phải làm lại từ đầu đấy!
  • Đừng quên gắn logo và báo cáo hàng năm: Khi được duyệt, bạn nhận logo xác nhận (xanh cho thông báo, đỏ cho đăng ký). bạn nhớ gắn logo này lên website, kèm link dẫn về trang xác minh của Bộ, vừa đúng luật vừa tăng uy tín cho website và brand của mình. Đồng thời, mỗi năm trước 15/1, bạn phải báo cáo hoạt động website qua online.gov.vn. Nếu bạn quên báo cáo là có thể bị nhắc nhở hoặc kiểm tra bất ngờ.

Tổng hợp những câu hỏi về việc đăng ký website với Bộ Công Thương

Kết luận

IMTA hy vọng qua bài viết này bạn đã rõ cách thức cũng như tại sao phải đăng ký website mình với Bộ Công Thương. Việc đăng ký website với Bộ Công Thương có thể khiến bạn hơi ngợp ban đầu phải đối mặt với nhiều thủ tục và yêu cầu khác nhau. Tuy nhiên, với những hướng dẫn chi tiết từ IMTA hy vọng bạn sẽ nhanh chóng đăng ký thành công.

Nếu bạn đang kinh doanh và muốn mở rộng hhình ảnh thương hiệu hay tăng doanh số, bạn có thể tham khảo khóa học Digital Marketing tại IMTA. Với lộ trình học bài bản, 80% thực hành và 20% lý thuyết, bạn sẽ làm trên chính sản phẩm của mình để tăng doanh số cho doanh nghiệp mình.

Digital Marketing IMTA Digital MarketingHướng dẫn bạn chi tiết quy trình đăng ký website với Bộ Công Thương (2025)