Domain là gì? Tên miền hoạt động như thế nào, cách chọn tên miền và đăng ký tên miền khi bạn bắt đầu làm website, chọn tên miền là công việc đôi khi làm chúng ta dễ dàng phân vân. Bài viết này sẽ tư vấn bạn cách chọn cho mình, nhiều bạn còn tính toán đến vần đề chọn tên miền tốt cho SEO. Nhưng sự thật có phải như vậy?

Trong bài viết này IMTA sẽ giúp bạn hiểu được domain (tên miền) là gì, có cấu trúc ra sao, gồm những loại nào và việc đặt tên miền (domain) phải tuân thủ những quy ước, quy định pháp luật nào?

Domain là gì?

Domain name – ở Việt Nam thường gọi tắt là domain hoặc tên miền. Nó là một chuỗi ký tự dùng để định danh, hay nôn na là tên thay thế cho một địa chỉ IP – nơi lưu trữ website. Người dùng sẽ điền vào chính xác chuỗi ký tự này lên trình duyệt web để truy cập website thay vì nhập vào đó một dãy ký tự khó nhớ của địa chỉ IP.

Domain - Tên miền là gì?
Domain – Tên miền là gì?

Ví dụ: Tên miền imta.edu.vn nó là cái tên thay thế cho địa chỉ IP là 103.121.89.158 – nơi lưu trữ toàn bộ mã nguồn và dữ liệu website này. Bạn thấy rằng việc ghi nhớ tên miền đơn giản hơn rất nhiều so với nhớ cái dãy 11 con số kia đúng không nào?

Khi dùng tên miền thay thế cho địa chỉ IP cũng giống như việc bạn gọi điện thoại cho bạn của bạn thay vì bấm số điện thoại thì bạn lưu dãy số đó thành tên của bạn, và khi gọi cho bạn của bạn, bạn chỉ cần tìm tên bạn đấy, chứ không cần phải nhớ đến 10 số điện thoại làm gì.

Tên miền đôi khi là một đại diện cho doanh nghiệp, cũng như việc bạn kinh doanh trên Facebook thì trước khi chạy quảng cáo Facebook cho doanh nghiệp, Facebook yêu cầu bạn xác minh tên miền với Facebook , lúc này tên miền như là đại diện cho doanh nghiệp của bạn với Facebook, và cũng vì những chính sách mới của Apple ảnh hưởng đến quảng cáo Facebook do đó phải xác minh tên miền.

Một số đặc điểm của domain

Dưới đây là một số đặc điểm về domain – tên miền mà bạn cần biết:

  • Tên miền có tính duy nhất, tức là chúng không bao giờ trùng nhau được.
  • Tên miền là một chuỗi ký tự được đặt theo quy ước chung trên toàn Thế Giới và quy định pháp luật hiện hành của tùy từng quốc gia/ khu vực lãnh thổ. Ví dụ: Nhiều trường hợp bạn đặt tên miền không phù hợp với Pháp Luật Việt Nam thì nhà cung cấp trong nước sẽ không cho đăng ký, nhưng có thể bạn đăng ký ở nước ngoài thì vẫn bình thường.
  • Số lượng tên miền là vô hạn. Tuy nhiên, tên miền chỉ khả dụng khi chúng được đăng ký sở hữu.
  • Tên miền quốc tế do tập đoàn ICANN (Internet Corporation for Assigned Names and Numbers) chủ quản. Ở Việt Nam, cơ quan quản lý tên miền quốc gia (chứa mã “.vn”) là VNNIC.
  • Không phải tất cả tên miền đều đang hoạt động trên Internet, chúng chỉ hoạt động cho đến khi được chủ sở hữu trỏ về địa chỉ IP – nơi lưu trữ website.
  • Nhiều tên miền có thể trỏ về một địa chỉ IP website.

Cấu trúc của domain – tên miền

Tên miền được tạo bởi một chuỗi ký tự liên tục (không có khoảng trắng). Các phần (còn gọi là nhãn – label) trong chuỗi được ngăn cách nhau bởi dấu “.” và có cấu trúc như sau:

[TM cấp 4].[TM cấp 3].[TM cấp 2].[TM cấp 1] 

  • Tên miền cấp 1 (TLD – Top Level Domain) : Là phần cuối cùng của một tên miền, còn gọi là tên miền cấp cao nhất.
  • Tên miền cấp 2 (SLD – Second Level Domain):  Là phần nằm liền kề (bên trái) với tên miền cấp cao nhất.
  • Tên miền cấp 3: Là phần nằm liền kề (bên trái) với tên miền cấp 2
  • Tên miền cấp 4: Là phần nằm liền kề (bên trái) với tên miền cấp 3

Ví dụ về cấu trúc của một tên miền

Cấu trúc của domain (tên miền)
Cấu trúc của domain (tên miền)

Chúng ta thấy rằng, tên miền trên có 4 phần, mỗi phần ngăn cách nhau bởi dấu chấm. Dưới đây là vai trò của từng phần:

  • www: Tên của máy chủ World Wide Web, đây là tên miền cấp 4, cách gọi khác của nó là tên miền phụ (subdomain);
  • imta: Là tên miền cấp 3, do người đăng ký đặt (còn gọi là tên của domain);
  • edu: Là tên miền cấp 2;
  • vn: Là tên miền cấp 1;
  • Mọi người vẫn hay gọi nguyên cụm .edu.vn được gọi là đuôi/ phần mở rộng (domain extension) của tên miền chính imta;
  • Nguyên cụm: imta.edu.vn là một tên miền hoàn chỉnh. Phần www ở trước không cần thiết phải có.

Ghi chú: Tên miền www.imta.edu.vn trong ví dụ ở trên là tên miền được đăng ký ở Việt Nam vì nó có phần tên miền cấp 1 (mã quốc gia) là “.vn”. Bạn không thể đăng ký từ các nhà cung cấp dịch vụ nước ngoài.

Phân loại domain – tên miền

Domain – tên miền có thể được phân loại theo cách đặt tên hoặc theo cách thức hoạt động của chúng. Dưới đây IMTA sẽ phân loại chúng theo từng tiêu chí để bạn nắm rõ.

Phân loại domain – tên miền theo cách thức đặt tên

Theo cách thức đặt tên phần mở rộng của nó, chúng ta có 2 nhóm là: Tên miền cấp cao dùng chung tên miền quốc gia cấp cao nhất. 

Nhóm tên miền cấp cao dùng chung (gTLD)

Nhóm gTLD (viết tắt của generic Top Level Domain) là tên miền cấp 1, được dùng chung trên toàn Thế Giới, nó được đặt tên theo các lĩnh vực trong cuộc sống. Dưới đây là một số tên miền cấp cao tiêu biểu và lĩnh vực tương ứng:

Các tên miền quốc tế
Các tên miền quốc tế
  • Tên miền .com: Commercial – dành cho lĩnh vực thương mại, dịch vụ;
  • Tên miền .edu: Education – lĩnh vực giáo dục đào tạo;
  • .info: Infomation – lĩnh vực thông tin và truyền thông;
  • .net: Network – lĩnh vực mạng (máy tính);
  • .org: Organization – dành cho các tổ chức, cộng đồng;
  • .tv: Televison – lĩnh vực truyền hình.

Lưu ý: Phần mở rộng của tên miền không phải là quy định bắt buộc cho lĩnh vực mà nó hoạt động. Ví dụ: Một website về giáo dục đào tạo thì không bắt buộc nó phải có phần mở rộng là .edu mà là nó nên đặt .edu thì tốt hơn, bạn có thể đặt phần mở rộng là gì cũng được, miễn sao nằm trong số các phần mở rộng hiện tại được cho phép.

Nhóm tên miền quốc gia cấp cao nhất (ccTLD)

ccTLD (viết tắt của Country code Top Level Domain) là tên miền cấp cao nhất, được dùng hoặc dự trữ cho một quốc gia hoặc một khu vực lãnh thổ. Phần mở rộng của nó là ký tự đại diện cho một mã quốc gia (country code) hoặc khu vực lãnh thổ. Ví dụ:

  • Việt Nam: .vn
  • Nhật Bản: .jp
  • Mỹ: .us
  • Anh: .uk
  • Châu Á & Thái Bình Dương: .Asia
  • Châu Âu: .eu

Phân loại tên miền theo cách thức hoạt động

Theo cách thức hoạt động, chúng ta có 3 loại là: Parked Domain, Addon Domain và Subdomain. Dưới đây IMTA sẽ chú giải chi tiết từng loại để bạn hình dung.

Parked Domain

Tên gọi khác là Domain Pointer hoặc Domain Alias, thuật ngữ này trong tiếng Việt gọi là lưu trú tên miền. Khi sử dụng Parked Domain, 02 tên miền nó cùng trỏ về một website. Ứng dụng của Parked Domain là để phòng ngừa trường hợp domain chính không truy cập được, thì sẽ truy cập website đó bằng cái tên miền thứ hai này. Ngoài ra, người ta sử dụng Parked Domain là để cho website có thể truy cập từ một tên miền ngắn gọn, dễ nhớ hơn tên miền chính.

Ví dụ về dự phòng cho tên miền chính: Khi bạn truy cập Zing.vn hoặc Zingnews.vn thì nó đều chạy cùng một website. Giả sử khi tên miền Zingnews.vn bị sự cố thì người dùng vẫn có thể đọc báo Zing từ tên miền Zing.vn.

Ví dụ về tên miền thay thế ngắn gọn hơn tên miền chính: Bạn thấy rằng khi truy cập Facebook.comfb.com nó đều mở cùng một website. Đơn giản là tên miền fb.com (Parked Domain của facebook.com) nó ngắn gọn, gõ nhanh nên họ dùng thêm tên miền này.

Addon Domain

Addon Domain – là một hay nhiều tên miền khác nhau và cùng hoạt động độc lập trên cùng một hosting – nơi lưu trữ website của tên miền chính. Tất nhiên là những website dùng Addon Domain này sẽ khác website dùng tên miền chính.

Addon Domain trong cPanel
Addon Domain trong cPanel

Ví dụ: Hosting của IMTA đang dùng để lưu trữ website imta.edu.vn và nó còn trống quá nhiều không gian bộ nhớ (hosting 50GB nhưng còn dư tới 40GB). Lúc này IMTA có thể cho chạy thêm một website với tên miền là imta.vn trên cùng hosting này luôn. Khi đó cái tên miền thứ hai được thêm vào kia được gọi là một Addon Domain.

Subdomain

Subdomain (tên miền phụ), là một tên miền được tạo ra bằng cách thêm một nhãn tên miền đứng trước tên miền chính. Mục đích của việc này thường là để tạo thêm chủ đề, lĩnh vực hoạt động khác cho website. Hoặc thêm cách hiển thị của website trên di động. Bạn sẽ hình dung rõ hơn với 02 ví dụ dưới đây:

  • Ví dụ về tên miền phụ là để thêm chủ đề hoặc chuyên chủ đề: xe.tinhte.vn, congnghe.imta.vn,…
  • Tên miền phụ để thay đổi cách hiển thị trên di động: m.dantri.com.vn | Trước đây Báo Dân Trí và nhiều website lớn khác thường sử dụng một giao diện dành riêng cho di động. Khi bạn truy cập website dantri.com.vn trên điện thoại thì nó sẽ tự chuyển sang website dùng tên miền phụ là m.dantri.com.vn. Tuy nhiên, hiện nay hầu hết các website đã bỏ phương án dùng tên miền phụ để chạy website với giao diện mobile mà sẽ dùng giao diện Responsive trên tên miền chính luôn.
Subdomain
Subdomain

Lưu ý: Có một trường hợp Subdomain được ứng dụng như Parked Domain là người ta thêm cụm “www” vào trước tên miền. Khi đó bạn có thể gọi nó là tên Subdomain cũng được mà là Parked Domain cũng không sai.

Ví dụ: tên miền www.zing.vn là Subdomain của zing.vn, tuy nhiên khi bạn truy cập 02 tên miền này nó đều trỏ về cùng một website, tức www.zing.vn cũng là Parked Domain của zing.vn

Quy định về cách đặt tên miền

Tên miền được đặt theo quy định chung trên toàn Thế Giới và theo quy định riêng của mỗi quốc gia / khu vực lãnh thổ. Trong khuôn khổ bài viết này IMTA chỉ đưa ra những quy định riêng của pháp luật Việt Nam về cách đặt tên miền, còn các quốc gia và khu vực lãnh thỗ khác sẽ không đề cập.

Quy định chung về cách đặt tên miền

Nếu bỏ qua quy định riêng của pháp luật của quốc gia/ khu vực mà bạn đăng ký thì chỉ cần tuân thủ các mục dưới đây là đủ điều kiện để đăng ký một tên miền.

  • Tên miền trên Internet là duy nhất, tức là nếu tên miền đó đã đăng ký thì bạn không thể đăng ký được nữa;
  • Tên miền được tạo bởi một chuỗi ký tự liên tục (không có khoảng trắng) và các phần trong tên miền (còn gọi là nhãn) được ngăn cách nhau bởi dấu “.” ;
  • Các dấu “.” không được đặt liền kề nhau (ví dụ: ten..mien.com) và không được đặt ở đầu của tổng thể tên miền (ví dụ: .tenmien.com);
  • Chiều dài một phần tên miền (nhãn) không được vượt quá 63 ký tự (tính cả dấu”.”);
  • Tên miền đầy đủ không vượt quá 253 ký tự;
  • Về cơ bản tên miền được đặt bằng các chữ cái : từ a đến z ; chữ số từ 0 đến 9; Tuy nhiên, hiện nay tên miền đa ngữ đã đi vào hoạt động, ví dụ tên miền Tiếng Việt, Tiếng Nga,..
  • Có thể thêm dấu “-” và nó không được đặt ở đầu hoặc cuối mỗi tên miền, nhưng có thể đặt liền kề nhau. Ví dụ tenmien-.com hoặc –tenmien.com là không hợp lệ, nhưng bạn có thể đặt là ten—–mien.com chẳng hạn.

Quy định pháp luật về cách đặt tên miền ở Việt Nam

Để đảm bảo đủ điều kiện đăng ký tên miền của nhà cung cấp tên miền ở Việt Nam hoặc sử dụng tên miền có chứa mã quốc gia “.vn”,  thì ngoài việc thỏa mãn các yêu cầu chung ở trên, bạn cần phải tuân thủ quy định pháp luật Việt Nam về việc đặt tên miền.

Để xem đầy đủ về quy định đăng ký tên miền ở Việt Nam thì bạn có thể tải về và xem Thông tư số 24/2015/TT-BTTTT ngày 18/08/2015 của Bộ Thông tin và Truyền thông. Dưới đây mình chỉ trích dẫn một số nội dung trong Điều 6 Thông tư số 24/2015/TT-BTTTT về đăng ký tên miền như sau:

Các tên miền có phần mở rộng là mã quốc gia “.vn” nằm trong những khung dưới đây thì sẽ mặc định được bảo hộ bởi Nhà Nước. Tức là bạn không có quyền sở hữu chúng.

Quy định đăng ký tên miền Việt Nam - phần một
Quy định đăng ký tên miền Việt Nam – phần một

Còn đây là quy định đối với việc đăng ký tên miền của cá nhân, tổ chức:

Quy định đăng ký tên miền Việt Nam - phần hai
Quy định đăng ký tên miền Việt Nam – phần hai

KHUYẾN NGHỊ: Nếu bạn là một người đang muốn phát triển kinh doanh online hoặc xây dựng thương hiệu trên Internet, thì ngay từ bây giờ có thể tìm hiểu và đăng ký một tên miền giá trị để phục vụ cho hướng đi sắp tới nhé. Bởi tên miền chỉ tồn tại duy nhất, nếu không sớm đăng ký thì sẽ bị đăng ký mất, sau này nếu muốn đăng ký tên miền ưng ý thì phải chi rất nhiều tiền để mua lại và thậm chí người ta cũng không bán.

Ví dụ: Công ty của bạn là NAM LONG chẳng hạn, thì hãy sớm đăng ký tên miền cho nó, vì tương lai bạn sẽ không còn cơ hội đăng ký nữa. Tên miền Mi.com được Xiaomi mua lại với giá 3,6 triệu USD vào năm 2014.

Cách thức đặt tên miền chuẩn SEO

Nhiều bạn làm website muốn đặt tên website để dễ dàng SEO, việc này là hoàn toàn đúng chứ không sai. Nhưng thực tế chỉ đúng 1 phần, theo nhiều năm kinh nghiệm làm website của mình thì có thể chia làm 2 loại khi chọn mua tên miền mà phục vụ nhu cầu SEO gồm: Tên miền theo từ khóa, tên miền theo thương hiệu.

Chọn tên miền theo từ khóa

Cách này đa phần những bạn mới sẽ lựa chọn, phải công nhận rằng nếu bạn biết SEO và chọn tên miền theo đúng từ khóa thì có phần sẽ SEO dễ dàng hơn, trước kia thì Google đánh giá cho thứ hạng cao những tên miền trùng với từ khóa, tuy nhiên ngày nay đây không còn phải yếu tố quan trọng khi xếp hạng từ khóa nữa.

Ví dụ khi khi mình lên Google gõ từ khóa “đồng hồ thụy sỹ” thì tên miền donghothuysy(.vn) là tên miền theo từ khóa, nhưng cũng không có vị trí cao hơn so với những các tên miền theo thương hiệu. Và nếu nhìn vào thì toàn bộ top 10 gần như là tên miền theo thương hiệu.

Tên miền từ khóa
Tên miền từ khóa

Chọn tên miền theo thương hiệu

Cách đây nhiều năm, tầm khoảng năm 2008 thì mình thích dùng tên miền theo từ khóa. Bởi vì lúc đó Google rất dễ SEO với những tên miền này. Tuy nhiên dần dần Google thay đổi thuật toán, từ khóa trong tên miền không còn phải là giải pháp tối ưu. Sau đó rất nhiều website dạng tên thương hiệu phát triển mạnh, và vì phục vụ mục tiêu kinh doanh dần dần mình cũng chuyển hướng sang tên miền thương hiệu.

Tên miền thương hiệu
Tên miền thương hiệu

Theo mình thì tên miền hiện tại chỉ chiếm 1% trong thành công SEO. Nên tên miền từ khóa hay thương hiệu gì bạn cũng có thể chọn được. Trong khóa học SEO tại IMTA thì sẽ hướng dẫn bạn nhiều yếu tố để SEO, tức nhiên là không ngoại trừ chọn lựa tên miền có ảnh hưởng SEO không. Chủ yếu dùng các tool để kiểm tra.

Kinh nghiệm chọn tên miền

Phải nói rằng mình đã mua rất nhiều tên miền và làm cũng rất nhiều website. Nhưng đến thời điểm này các tên miền mà mình gắn bó thực sự là không nhiều. Do đó để mua tên miền bạn hãy tránh các vấn đề sau đây

Những việc nên tránh:

Tham lam sợ người khác mua trước mình, hoặc tâm lý tham lam làm bạn mua rất nhiều tên miền và sau này sẽ gây ra gánh nặng cho việc gia hạn. Với lại có quá nhiều website đôi khi không website nào chăm sóc tốt được.

Vội vàng mà mua mà không suy nghĩ hoặc không có chiến lược kinh doanh rõ ràng, chỉ mua để đó chứ còn về chiến lược phát triển tên miền đó ra được thì hoàn toàn không có.

Tránh mua phải tên miền cũ, chất lượng kém (Việc này trong khóa học SEO mình có hướng dẫn, vì độ phức tạp cũng khá cao).

Nhưng việc nên làm khi mua tên miền:

chiến lược và mục tiêu rõ ràng trước khi quyết định mua tên miền. Có chiến lược tiếp thị và chiến lược marketing online rõ ràng. Nếu bạn muốn học hỏi hơn nhiều kinh nghiệm kinh doanh online thì tham gia khóa học marketing online bài bản tại IMTA nhé.

Nếu mua kinh doanh ưu tiên .com trước, hết .com thì mới mua các tên miền .vn. Vì giá .com bao giờ cũng rẻ hơn.

Nên ưu tiên tên miền thương hiệu thay vì tên miền từ khóa. Bởi vì xây dựng được thương hiệu cho tên miền thì sau này website của bạn SEO dễ dàng lên hơn và dễ dàng mở rộng.

Đừng quá phân phân trong những quyết định, lập danh sách những tên miền cần mua và chỉ nên mua 1 tên miền (ngoại trừ bạn mua hết để bảo vệ thương hiệu). Sau đó quyết định nhanh chóng để mua tránh phân vấn mất thời gian, bước quan trọng hơn là xây dựng website và xây dựng nội dung cho website.

Các nhà cung cấp tên miền uy tín

Nếu như bạn đang kinh doanh online thì chắc chắn sẽ cần đến 1 website làm để quảng cáo khách hàng biết đến mình. Lần đầu tiên mua tên miền bạn sẽ bỡ ngở không biết mua ở đâu. Đầu tiên bạn hãy nghĩ cho mình 1 tên miền ưa thích, sau đó lên các nhà cung cấp tên miền kiểm tra còn không (tên miền có tính duy nhất), nếu như có người đã mua rồi thì bạn phải tìm tên miền khác.

Sau đây IMTA giới thiệu bạn các nhà cung cấp tên miền uy tín. Mình thường chia ra làm 2 loại nhà cung cấp là: trong nước và ngoài nước.

Nhà cung cấp nước ngoài thì việc mua tên miền đơn giản hơn, chỉ cần có thẻ Visa/Mastercard. Bạn cũng không cần phải làm các thủ tục phiền hà hơn so với nhà cung cấp trong nước. Tuy nhiên bạn chỉ mua được các tên miền quốc tế (đuôi .com, .net, .org), riêng các đuôi tên miền .vn thì bạn phải mua nhà cung cấp Việt Nam. Và khi bạn mua tên miền của nhà cung cấp Việt Nam thì tức nhiên những bạn không rành sẽ được hỗ trợ tốt hơn.

Nếu sử dụng nhà cung cấp Việt Nam thì bạn phải chụp sẵn CMND, sau khi mua phải thông báo tên miền đến cơ quan quản lý, ký hợp đồng và các điều khoản sử dụng.

Nhà cung cấp tên miền tại Việt Nam

Sau đây là những nhà cung cấp tên miền uy tín tại Việt Nam mà mình đã sử dụng. Mình chỉ sắp xếp theo liệt kê chứ không xếp hạng cao thấp gì cả, bởi vì hầu hết các dịch vụ tên miền thì ổn định, không ảnh hưởng tốc độ website bạn nhiều đâu. Do đó không lo vấn đề Core Web Vitals gì cả.

Các nhà cung cấp tên miền trong nước nên dùng: Matbao.net, Tenten.vn, BKNS, PAVietnam, Azdigi, Tinohost…

Nhà cung câp tên miền Quốc tế

Mình thì mua các tên miền .com, .net, .org, .info…. thì sẽ ưu tiên nhà cung cấp Quốc tế hơn. Bởi vì có nhiều ưu điểm như thủ tục đơn giản, mua và thanh toán 30 giây là dùng luôn. Ngoài ra giá cả cũng khá rẻ.

Các nhà cung cấp tên miền quốc tế chất lượng: Namecheap.com (Rẻ chất lượng, rẻ cả gia hạn); GoDaddy (giá mua năm đầu rẻ, nhưng các năm sau giá cao). Mình chỉ đề xuất 2 nhà cung cấp này bởi vì mình đã từng dùng và thấy ok, đặc biệt là Namecheap giá rẻ hơn nhiều, kể cả gia hạn, chất lượng tốt, Namecheap cũng là một ông lớn trong cung cấp tên miền toàn cầu.

Những câu hỏi thường gặp

Nếu bạn là một người mới tìm hiểu về domain (tên miền) thì sẽ có nhiều thắc mắc. Vì thế IMTA liệt kê một số câu hỏi và phần trả lời tương ứng để bạn giải quyết được những thắc mắc, băn khoăn đó.

LỜI KẾT

Kiến thức về domain (tên miền) cơ bản IMTA đã nêu ra rất chi tiết trong bài viết này từ khái niệm, cấu trúc tên miền, phân loại cho đến các quy định trong việc đăng ký. Bạn hãy chọn cho mình một tên miền và xác định gắn bó lâu dài với tên miền này, có thể chọn tên miền theo từ khóa hoặc thương hiệu. Khi dùng tên miền thương hiệu có ưu điểm là dễ mở rộng chủ đề.

Sau khi mua tên miền thì bạn bắt đầu mua hosting và xây dựng Website. Trong những bài viết tiếp theo IMTA sẽ hướng dẫn bạn mua các gói tên miền, và trỏ tên miền về ip của hosting. Khi bạn đã xây dựng website, bạn có thể dùng WordPress để xây dựng website bởi vì chi phí rẻ hơn nhiều, mà bạn được quyền sở hữu website của mình.

Sau khi đã có website để việc bán hàng online được thuận lợi, bạn nên tìm hiểu học quảng cáo Google Ads giúp website của bạn có lượng traffic và khách hàng biết đến.

Tuy nhiên, nếu bạn có điều gì thắc mắc hoặc đóng góp ý kiến thì có thể để lại bình luận bên dưới nhé, chúng tôi sẽ sớm phản hồi bạn, xin chào và hẹn gặp lại bạn trong các bài viết sau tại IMTA.EDU.VN

Digital Marketing IMTA WordPressDomain là gì? Hướng dẫn cách chọn tên miền cho website chuẩn SEO